Dự báo, quy mô nền kinh tế ASEAN sẽ đứng thứ 4 trên thế giới vào 2030. Ở thời điểm đó, quy mô nền kinh tế số ASEAN sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ USD.
Chiều 17-10, tại Hà Nội, Bộ TT-TT đã tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về tình hình và định hướng hợp tác ASEAN. Hội nghị nhằm thông tin định hướng và làm phong phú nội dung tuyên truyền trên các báo, tăng cường hiểu biết cho người dân về hợp tác ASEAN, sự tham gia, đóng góp và hội nhập của Việt Nam và định hướng hợp tác ASEAN trong giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT-TT, ASEAN đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, đóng vai trò trung tâm trong việc xử lý và giải quyết nhiều vấn đề của thế giới.
Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN và đang chủ động triển khai nhiều chương trình và sáng kiến hợp tác để nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN nói chung cũng như vai trò của Việt Nam nói riêng, trong việc đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.
“Một tuần trước, hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã được tổ chức thành công tại nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào. Sau hội nghị này, ASEAN đang ngày càng khẳng định vị trí của mình với vai trò trung tâm cùng các cơ chế hợp tác toàn diện trong khu vực”, ông Triệu Minh Long nhận định.
Ông Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao, cho rằng, thế giới và khu vực đang biến động phức tạp, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, các điểm nóng gia tăng căng thẳng, kinh tế thế giới phục hồi nhưng nhiều rủi ro.
Sau 8 năm triển khai kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN; năm 2023, GDP khu vực ASEAN tăng 51%, quy mô nền kinh tế đạt 3.800 tỷ USD, đứng thứ 5 trên thế giới với tốc độ tăng trưởng chung đạt 4,2%. Vốn đầu tư FDI vào khu vực ASEAN năm 2023 đứng thứ 2 toàn cầu (chỉ sau Mỹ). Dự báo, quy mô nền kinh tế ASEAN sẽ đứng thứ 4 trên thế giới vào 2030. Ở thời điểm đó, quy mô nền kinh tế số ASEAN sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ USD.
Theo ông Trần Đức Bình, trong cơ chế hợp tác của ASEAN, có 3 trụ cột cơ bản là trụ cột về chính trị – an ninh, trụ cột về kinh tế và trụ cột về văn hóa – xã hội. Việc xây dựng cộng đồng ASEAN đang được triển khai đồng đều trên 3 trụ cột này. Tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN năm 2045 là “Tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm”.
Trong bối cảnh chung, vai trò của ASEAN rất quan trọng. Các đối tác đều khẳng định ASEAN là ưu tiên trong chính sách tại khu vực, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cùng ASEAN triển khai hợp tác toàn diện, đẩy mạnh kết nối kinh tế, thương mại và đầu tư, KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…
Theo bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, sau 29 năm Việt Nam gia nhập, ASEAN đã trở thành một trong những diễn đàn đa phương quan trọng. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức, nền kinh tế khu vực ASEAN vẫn cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực.
GDP của cả khu vực ASEAN đã tăng hơn 4% trong năm qua, dự kiến tăng trưởng 4,6% trong năm nay. Về thương mại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, tiếp theo là Mỹ và EU. Tổng dòng vốn FDI vào ASEAN năm 2023 đạt 229 tỷ USD, với Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất. Các nước trong khu vực đã hoàn thành 9/14 sáng kiến kinh tế ưu tiên trong năm Lào là nước Chủ tịch ASEAN.
ASEAN hiện đang thực hiện các cam kết về hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế sâu rộng và hợp tác hơn nữa trong các hoạt động thương mại nội khối, kết nối với các đối tác ngoại khối nhằm ứng phó và giải quyết các thách thức, tăng cường chuỗi cung ứng trong khu vực. Chuyển đổi số được các nước ASEAN coi là động lực tăng trưởng chủ yếu trong giai đoạn tới.
TRẦN BÌNH
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/quy-mo-nen-kinh-te-so-asean-se-dat-khoang-la-2000-ty-usd-vao-nam-2030-post764108.html