Ninh Thuận với mục tiêu huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông đa mục tiêu, có tính kết nối cao, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển, nhất là các ngành, lĩnh vực, vùng động lực. Tỉnh ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển, thủy lợi, đô thị, khu cụm công nghiệp, truyền tải điện, thông tin số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, đột phá.
Ninh Thuận phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng.
Với quan điểm phát triển kinh tế xã hội phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030; phù hợp với Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày. Trong đó phát triển nhanh gắn liền với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học – công nghệ, phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp hướng tới đưa phát thải ròng bằng 0, phát triển bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh.
Phát huy lợi thế địa lý của tỉnh là cửa ngõ kết nối các vùng để đẩy mạnh liên kết phát triển giữa Ninh Thuận với vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh phía Nam vùng Tây Nguyên và các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết nối liên thông đa mục tiêu và tăng cường liên kết vùng. Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, khác biệt về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên, lịch sử truyền thống cách mạng, bản sắc văn hoá; tận dụng các điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế đô thị, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn và giá trị khác biệt để phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ninh Thuận có tiềm năng dồi dào về nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió
Phát huy tối đa yếu tố con người; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn giáo dục, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật với thị trường lao động; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi và vùng ven biển. Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế.
Với tầm nhìn đến năm 2050 “Ninh Thuận – Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”; đến năm 2050 Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, chiếm trên 55% tổng sản phẩm nội tỉnh, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65%; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao so với các địa phương khác trong cả nước, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030 phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành Khu kinh tế ven biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu đặc biệt là nguồn tài nguyên nước cần được đảm bảo nhu cầu sử dụng, điều hòa, phân phối hợp lý đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Về kinh tế tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10 -11%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 200 triệu đồng, tỷ trọng GRDP của khu vực công nghiệp – xây dựng khoảng 53 – 54%; khu vực dịch vụ khoảng 34 – 35%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 12 – 13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 2 – 3%, kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP vào năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 50% và tiếp tục duy trì mức trên trung bình của cả nước các năm tiếp theo. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 55 – 56%; bảo đảm 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị.
Công Đảo