Làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và nông thôn
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nhấn mạnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hai phạm trù khác nhau nhưng lại có sự đan xen lẫn nhau. Do đó, việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn hết sức cần thiết để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, bảo đảm tính tích hợp, bao quát, tránh chồng chéo các quy hoạch với nhau, kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn.
Đại biểu cho rằng, các quy hoạch đô thị và nông thôn tuy đã có sàng lọc song vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch được điều chỉnh tại Dự thảo Luật này cũng như các quy hoạch điều chỉnh tại Luật Quy hoạch.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đưa ra dẫn chứng, theo Dự thảo Luật này trên địa bàn tỉnh sẽ có quy hoạch chung TP thuộc tỉnh, quy hoạch chung thị xã, quy hoạch chung huyện với cùng tỉ lệ phủ kín toàn bộ không gian của một tỉnh, nhưng sau đó lại có quy hoạch chung khu chức năng.
Hoặc là đã có quy hoạch phân khu đô thị nhưng lại có quy hoạch thị trấn với cùng tỷ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch chung của xã cũng cùng tỷ lệ. Quy hoạch chung của huyện và quy hoạch vùng huyện sẽ được phân định như thế nào để tránh chồng chéo?.
Hiện tại đang xảy ra trường hợp quy hoạch chung nhiều khi nhắc lại quy hoạch tỉnh. Do đó đại biểu đề nghị Dự thảo Luật phải rà soát và làm rõ vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng, trong các quy định liên quan hai loại quy hoạch cũng có một số điểm chồng chéo, do đó ban soạn thảo cần quan tâm tiếp thu, sửa đổi. Bên cạnh đó, nếu tích hợp hai loại quy hoạch này cũng có những vấn đề khó khả thi đặt ra, vì vậy, phải lập quy hoạch chung đô thị và một số nơi là quy hoạch chung TP trực thuộc Trung ương.
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) cơ bản nhất trí với khoản 1 điều 3 quy định các loại quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát lại cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.
Tại điểm a khoản 1, đại biểu đề nghị xem xét không nên quy định lại vì Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định. Tại điểm b, điểm c khoản 1, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa các quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là quy hoạch ngành quốc gia với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.
Để tránh chồng chéo giữa các quy hoạch, đại biểu cũng đề nghị xem xét mối quan hệ trong việc xác lập các quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, nhất là quy hoạch nông thôn đối với các huyện, xã, quy hoạch đô thị với các thị xã, thị trấn, đô thị mới.
Bổ sung quy định lấy ý kiến Nhân dân về quy hoạch
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) góp ý vào điều 15 về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó kiến nghị bổ sung nội dung lấy ý kiến Nhân dân về quy hoạch để phù hợp với pháp luật hiện hành.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị bổ sung thêm 1 khoản quy định, Nhà nước đảm bảo kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Về trình tự điều chỉnh quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu đề nghị, khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch mà không làm thay đổi mục tiêu quy hoạch, nên ủy quyền cho cấp dưới 1 cấp để tổ chức thực hiện, nhằm giảm thủ tục hành chính và giảm thời gian cho việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Đồng thời cần quy định rõ về thời gian lập, thẩm định và phê duyệt việc điều chỉnh tổng thể, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) nhấn mạnh, trong xu thế mở cửa, tiếp nhận và dung nạp ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đang đứng trước thách thức lớn, dễ nhận thấy nhất là về mặt kiến trúc. Toàn cầu hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa làm nảy sinh một số tác động tiêu cực đến giá trị kiến trúc truyền thống. Cảnh quan nông thôn cũng dần mất biểu tượng đặc trưng văn hóa như cây đa, đình làng, nhà theo kiến trúc truyền thống…
Do đó, để bảo đảm quy hoạch phát triển bền vững, tại điều 7 về nguyên tắc hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc về việc bảo vệ, kế thừa, phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng không gian văn hóa vùng miền. Tương tự, đề nghị rà soát lại khoản 6 điều 2 về giải thích từ ngữ nhằm bổ sung yếu tố văn hóa đi liền với yếu tố kinh tế – xã hội.
Có nên quy định cơ quan tổ chức lập quy hoạch và cơ quan thẩm định quy hoạch phải độc lập?
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nêu ý kiến, khoản 6, khoản 9 điều 16 Dự thảo Luật quy định cơ quan tổ chức lập quy hoạch và cơ quan thẩm định phải độc lập, tuy nhiên, trên thực tế việc này rất khó thực thi. Vì vậy đại biểu khuyến nghị, do đặc thù của quy hoạch kiến trúc không nhất thiết phải quy định cơ quan thẩm định và tổ chức lập quy hoạch phải độc lập.
Đồng thời, đối với điều 18 của Dự thảo Luật này về hình thức và lựa chọn tư vấn quy hoạch nhất thiết phải có hình thức giao việc và đặt hàng, hình thức đấu thầu và thi tuyển mang nặng hình thức dự án đầu tư công, đại biểu Nguyễn Trúc Anh cũng khuyến nghị mỗi tỉnh, TP từ đô thị loại 2 trở lên nên triển khai công tác quản lý kiến trúc thường xuyên trên địa bàn, đối với các đô thị loại 1 trở lên phải có Sở Quy hoạch – Kiến trúc thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực quy hoạch kiến trúc.
Góp ý vào khoản 1, điều 18 Dự thảo Luật về việc lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định pháp luật về đấu thầu hoặc lựa chọn theo hình thức thi tuyển ý tưởng quy hoạch, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề xuất, nâng hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến công tác lập, điều chỉnh quy hoạch lên mức không quá 1 tỷ đồng nhằm đẩy nhanh công tác lập quy hoạch. Riêng đối với các gói thầu tư vấn sử dụng nguồn tài trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước được thực hiện chỉ định lựa chọn đơn vị tư vấn không phụ thuộc vào hạn mức.
Liên quan đến vai trò, sự cần thiết lập quy hoạch chung TP trực thuộc Trung ương, phát biểu giải trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nội dung quy hoạch TP trực thuộc Trung ương được quy định tại Luật Quy hoạch. Theo đó, nội dung quy hoạch TP trực thuộc Trung ương chỉ quy định về phương án phát triển hệ thống đô thị trong TP và không có quy định việc đề xuất mô hình cấu trúc phát triển đô thị định hướng phát triển không gian tổng thể và từng khu vực tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, định hướng phát triển các khu chức năng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố với các khống chế về chỉ tiêu kỹ thuật theo quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan về quy hoạch.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/quy-hoach-do-thi-va-nong-thon-can-ke-thua-phat-huy-gia-tri-truyen-thong.html