Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 46/2023 quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử vành bánh xe mô tô, xe gắn máy (QCVN 113:2023/BGTVT). Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2024.
Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 52/2012/TT-BGTVT ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành 03 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ tùng xe mô tô, xe gắn máy.
Đối với hồ sơ thử nghiệm được đăng ký trước ngày QCVN 113:2023/BGTVT có hiệu lực thì tiếp tục thử nghiệm và chứng nhận chất lượng theo QCVN 44:2012/BGTVT hoặc QCVN 46:2012/BGTVT.
Trong vòng một năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các vành, vành bánh xe đã được chứng nhận chất lượng theo QCVN 44:2012/BGTVT hoặc QCVN 46:2012/BGTVT không phải thử nghiệm, chứng nhận lại.
QCVN 113:2023/BGTVT áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu vành hoặc vành bánh xe dùng cho xe mô tô, xe gắn máy, cơ sở sản xuất lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy và các cơ quan, tổ chức liên quan đến việc quản lý, thử nghiệm, kiểm tra chứng nhận chất lượng đối với vành, vành bánh xe dùng cho xe mô tô, xe gắn máy. (Lưu ý: Không áp dụng đối với vành, vành bánh xe sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng.)
Theo đó, QCVN 113:2023/BGTVT đã bổ sung giải thích thuật ngữ về vành, mâm vành, vành bánh xe để nhận dạng đối tượng.
Cụ thể, vành bánh xe là bộ phận chịu tải ở giữa lốp và trục, thường gồm có hai chi tiết chính là vành và mâm vành bánh xe, có thể được chế tạo liền khối hoặc kết cấu ghép.
Vành bánh xe có kết cấu liền khối là vành bánh xe có vành và mâm vành bánh xe được chế tạo liền thành một khối.
Trong khi đó, vành bánh xe có kết cấu ghép là vành bánh xe có vành, mâm vành bánh xe được liên kết lại thành một khối thông qua các mối ghép (có thể tháo được).
Vành, vành bánh xe được coi là cùng kiểu loại nếu có cùng thiết kế, nhãn hiệu, cở sở sản xuất, địa chỉ cơ sở sản xuất và không có sự khác biệt về một trong các đặc tính kỹ thuật như: Mã đường kính và mã chiều rộng danh nghĩa; Kết cấu vành, vành bánh xe; Sử dụng cho lốp (có săm hoặc không săm); Tải trọng lớn nhất cho phép tác dụng lên bánh xe; Vật liệu chế tạo vành, vành bánh xe.
QCVN 113:2023/BGTVT cũng quy định rõ yêu cầu kỹ thuật của vành, vành bánh xe. Trong đó, yêu cầu chung phải đáp ứng đó là:
– Vành, vành bánh xe phải được chế tạo đúng theo thiết kế hoặc tài liệu kỹ thuật của cơ sở sản xuất;
– Bề mặt vành, vành bánh xe không được có vết rạn, nứt và các khuyết tật khác có thể nhìn thấy được;
– Trên vành, vành bánh xe phải ghi mã đường kính và mã chiều rộng danh nghĩa của vành (ghi theo hướng dẫn Phụ lục A) tại các vị trí có thể nhìn thấy được sau khi lắp lốp;
– Vành, vành bánh xe phải có khả năng chống gỉ sét (mạ, sơn phủ, vật liệu chống gỉ …). Không áp dụng cho những phần không nhìn thấy trên bề mặt vành, vành bánh xe sau khi lắp lốp;
– Kích thước và dung sai của vành, vành bánh xe phải đúng theo tài liệu thiết kế hoặc tài liệu kỹ thuật của cơ sở sản xuất. Vành tâm lõm (kiểu WM, MT, LF) phải có kích thước và dung sai theo phụ lục A của QCVN 113:2023/BGTVT.
Ngoài ra, vành sử dụng trong vành bánh xe có kết cấu ghép sử dụng nan hoa có độ sai lệch đường kính vành không được lớn hơn 1,2 mm; khe hở lớn nhất giữa vành và mặt phẳng chuẩn không được lớn hơn 0,8 mm.
Đối với vành, vành bánh xe (không áp dụng cho vành bánh xe có kết cấu ghép sử dụng nan hoa) phải có: Khả năng chịu tải trọng hướng kính; Khả năng chịu va đập hướng kính; Khả năng chịu mô men xoắn. Sau khi thử các khả năng này, bề mặt vành bánh xe không được xuất hiện các vết nứt, không có sự biến dạng rõ rệt hoặc bất kỳ sự tháo lỏng không bình thường nào tại các chỗ nối ghép.
Bên cạnh đó, vành bánh xe sử dụng cho lốp không săm còn phải thử độ kín khí, sau khi thử không được có sự rò rỉ không khí qua vành bánh xe thể hiện ở dạng bọt khí có thể nhìn thấy được.
Vành, vành bánh xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phải được kiểm tra thử nghiệm, chứng nhận theo quy định hiện hành về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Minh Hoa (t/h)