(NLĐO) – Với 92,48% đại biểu tán thành, QH khóa XV đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng mức đầu tư khoảng 67,3 tỉ USD
Chiều 30-11, với tỷ lệ 92,48% đại biểu tán thành, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam theo hình thức đầu tư công với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 67,3 tỉ USD.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM.
Quy mô đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827 ha, gồm: đất trồng lúa khoảng 3.655 ha, đất lâm nghiệp khoảng 2.567 ha và các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605 ha. Số dân tái định cư dự kiến khoảng 120.836 người.
Tổng mức đầu tư sơ bộ là 1,71 triệu tỉ đồng (tương ứng 67,3 tỉ USD) từ nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.
Tiến độ thực hiện: lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035.
Dự án được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, như trong quá trình thực hiện, Thủ tướng Chính phủ được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hằng năm cho dự án trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ.
Đồng thời, Chính phủ được huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài và không phải lập đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài.
Ngoài ra, có thể sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Về phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao, nghị quyết cho phép UBND cấp tỉnh tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vùng phụ cận ga đường sắt để xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi.
Đáng chú ý, tổ chức, cá nhân chủ trì hoạt động khoa học công nghệ phục vụ dự án được quyết định việc đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, đặt hàng để lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ, hàng hóa.
Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của pháp luật về công nghệ cao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ dự án…
Liên quan đến quy định phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ, Chính phủ quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc doanh nghiệp Việt Nam khác được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ.
Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.
Tổng thầu, nhà thầu phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp.
Đối với gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu phải có điều kiện cam kết của tổng thầu, nhà thầu nước ngoài về việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho đối tác Việt Nam để làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì; từng bước làm chủ công nghệ.
Nguồn: https://nld.com.vn/quoc-hoi-thong-qua-chu-truong-dau-tu-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-196241130154003888.htm