Có những sai phạm nghiêm trọng
Trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 (Nghị quyết số 30), trong đó quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh kết quả đạt được, đoàn giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, đã có những sai phạm nghiêm trọng như trong nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, mua bán kit xét nghiệm Covid-19 liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á; việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước cách ly tại cơ sở dân sự, tự nguyện trả phí trong thời gian dịch Covid-19. Nhiều cán bộ ở trung ương và địa phương bị xử lý hình sự.
Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết giám sát, trong đó yêu cầu khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại để xử lý các tồn đọng, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19…
Huy động và phân bổ nguồn lực phòng chống dịch (tính đến 31-12-2022)
Các nguồn lực được huy động
– Tổng số tiền đã được huy động khoảng 230.000 tỷ đồng, trong đó:
+Ngân sách nhà nước trên 186.400 tỷ đồng
+Nguồn tài trợ, viện trợ khoảng 43.600 tỷ đồng
– Trên 11.600 tỷ đồng đóng góp cho Quỹ Vaccine phòng Covid-19
Kinh phí đã sử dụng
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên 87.000 tỷ đồng
Thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch khoảng 4.487 tỷ đồng
Mua vaccine phòng Covid-19 khoảng 15.134 tỷ đồng
Mua sắm kit xét nghiệm khoảng 2.593 tỷ đồng
Mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm là 5.291 tỷ đồng
Chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 là 719 tỷ đồng…
Nỗi đau “thắng dịch, mất người”
Thảo luận về nội dung này, đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, chúng ta đã chứng kiến cả một hệ thống vào cuộc với hơn 100% sức lực, nhưng hết dịch vẫn có nhiều điều đáng tiếc xảy ra, những bài học xương máu. ĐB Nguyễn Lân Hiếu đồng ý với đề xuất của đoàn giám sát về việc Bộ Y tế cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn sử dụng vật tư, trang thiết bị y tế đã được chuẩn bị để chống dịch, chuyển sang điều trị khám, chữa bệnh thông thường; giao cho các bệnh viện địa phương quyết định việc sử dụng để tránh lãng phí cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được mua sắm, trao tặng.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đồng tình với quan điểm: tham ô, tham nhũng trong hoạt động phòng, chống dịch phải xử lý thật nghiêm khắc; song cũng cần xem xét thật có lý, có tình, công bằng với những sai phạm nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch, vì lợi ích của cộng đồng.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nhìn nhận, việc “thắng dịch, thay tướng”, cả hệ thống ngành y tế, số lượng cán bộ phải trả giá cho đại dịch này quá lớn. ĐB cho rằng, cần xử lý vấn đề hiện nay để bảo đảm trong tương lai.
Không để y tế cơ sở “teo tóp”
Về y tế dự phòng, báo cáo giám sát của Quốc hội chỉ rõ, khi phải đối mặt với những tình huống y tế khẩn cấp trên diện rộng như dịch Covid-19, hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng ở nhiều nơi lộ rõ những tồn tại, yếu kém. Nhiều địa phương báo cáo có tình trạng thiếu nhân lực tại y tế cơ sở, trong đó có cả những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Tình trạng này chủ yếu xảy ra tại các trạm y tế xã.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, phát triển y tế dự phòng là thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Những khó khăn nổi trội nhất vẫn là nhân lực, thu nhập, chất lượng khám, chữa bệnh và cơ sở vật chất. “Tăng lương, xây cơ sở đẹp, mua máy móc không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Lương không thể tăng mãi, cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân, máy móc hiện đại không ai biết sử dụng là lãng phí rất lớn”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói. Để y tế cơ sở không “teo tóp”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề xuất nên thử nghiệm mô hình mới: coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của trung tâm y tế huyện; giao thêm quyền và trách nhiệm cho trưởng trạm y tế, động viên họ để phát triển thế mạnh của mình.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và nhiều ĐB đề nghị có lộ trình tăng mức đóng bảo hiểm y tế, mở rộng danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, danh mục thuốc, vật tư y tế ở tuyến cơ sở do quỹ bảo hiểm y tế chi trả nhằm phát huy vai trò của trạm y tế trong công tác truyền thông và nâng cao sức khỏe cộng đồng. ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) chỉ ra, chế độ lương cho nhân viên y tế được áp dụng từ năm 2004, đã gần 20 năm; chế độ phụ cấp được quy định tại các văn bản đều đã hơn 10 năm. Do đó, ĐB đề nghị cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở.
Bộ trưởng Bộ Y tế ĐÀO HỒNG LAN: Chuẩn bị cho việc công bố hết dịch Covid-19
Để chuẩn bị cho việc công bố hết dịch Covid-19, dự kiến vào cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 bàn thảo các nội dung liên quan. Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 và đề xuất đưa vaccine Covid-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên.
Bộ trưởng Bộ Tài chính HỒ ĐỨC PHỚC: Nghiên cứu cấp bù ngân sách cho bảo hiểm y tế
Hiện nay, bảo hiểm y tế chỉ thu 4,5%, trong đó 1,5% là người lao động nộp, 3% là người sử dụng, đơn vị sử dụng lao động nộp. Quỹ Bảo hiểm y tế có hạn, trong khi chi ra gần như không hạn chế, nên phải quản lý theo dự toán. Thời gian tới khi sửa đổi sửa Luật Bảo hiểm y tế, bộ sẽ lưu ý đến vấn đề cấp bù ngân sách để đảm bảo cho thanh toán y tế một cách thuận lợi nhất. Bộ Tài chính cũng sẽ hoàn thiện chính sách cho cán bộ y tế và phụ cấp y tế, ưu đãi nghề.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ PHẠM THỊ THANH TRÀ: Chính sách đãi ngộ phải đặc biệt
Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu Chính phủ đề án phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, cụ thể; đánh giá toàn diện về tổ chức bộ máy, nhân lực y tế dự phòng, y tế cơ sở để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe của nhân dân. Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện cơ chế, chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế nói chung và y tế dự phòng, y tế cơ sở đặt trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương, đảm bảo đúng quan điểm của Đảng là ngành y là ngành đặc biệt thì sử dụng và đãi ngộ cũng phải đảm bảo chính sách đặc biệt.
Thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng
Đến năm 2022, 100% huyện có trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện; 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 92,4% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; trên 70% thôn, bản có nhân viên y tế thôn, bản hoạt động.
Nhân lực y tế tuyến huyện chiếm 34,6% trên tổng số nhân lực y tế các tuyến và tuyến xã là 15,8%.
Nhiều bệnh viện tuyến huyện đã triển khai được khoảng 75% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến, một số nơi đã triển khai được 100% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến và còn triển khai được một số kỹ thuật của tuyến trên.
Trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh Covid-19, số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện tuyến huyện chiếm khoảng 1/3 tổng số bệnh nhân được điều trị của cả nước.
Đến năm 2022, 63/63 tỉnh thành đã thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật
(Nguồn: Báo cáo của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng)