Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 20/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thống nhất với sự cần thiết phải xem xét, sửa đổi toàn diện Luật Tài nguyên nước để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tài nguyên nước năm 2012 và để cập nhật, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.
Đại biểu tham gia vào 3 nội dung cụ thể, đó là: Thứ nhất, về việc lấy ý kiến về quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông. Đại biểu cho biết quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông có ảnh hưởng rất lớn đến quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức có sử dụng nước trong phạm vi quy hoạch. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt đang diễn ra bình thường có thể sẽ phải chấm dứt hoặc điều chỉnh với chi phí lớn chỉ vì sự thay đổi của quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông. Những nguy cơ thay đổi đột xuất này làm giảm tính ổn định của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, làm giảm khả năng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của đất nước. Trong khi đó, Mục 2, Chương II quy định rất nhiều nội dung liên quan đến chiến lược, quy hoạch về tài nguyên nước, lưu vực sông nhưng chưa quy định đủ rõ ràng về việc lấy ý kiến những đối tượng tác động này trong quá trình lập quy hoạch. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định: Trong trường hợp quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông làm thay đổi quyền sử dụng nguồn nước cần phải lấy ý kiến của đối tượng đang khai thác, sử dụng nguồn nước đó.
Thứ hai, tại Khoản 7 Điều 44 của Dự thảo quy định về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan khi đầu tư dự án công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, đời sống của nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lấy ý kiến về những nội dung liên quan đến phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước của dự án; tổng hợp, tiếp thu, giải trình bằng văn bản và gửi kèm theo hồ sơ cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đại biểu cho rằng quy định như dự thảo sẽ dẫn đến sự chồng chéo với pháp luật về đánh giá tác động môi trường vì vậy đề nghị bỏ quy định này. Đại biểu đề nghị quy định cụ thể khoản 8 của Điều 44 về đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước mà không giao Chính phủ quy định tại nghị định, nhằm bảo đảm tính minh bạch, ổn định của pháp luật, vì đây là điều khoản hết sức quan trọng, là cơ sở để xác lập quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, bao gồm các nghĩa vụ làm thủ tục và nghĩa vụ tài chính.
Thứ ba, tại Điều 63 của Dự thảo đề nghị dự thảo luật quy định theo hướng: Các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước mà gây tác động đến lòng, bờ, bãi sông, hồ và chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đều phải thực hiện quy định chứ không chỉ khi các hoạt động này làm ảnh hưởng xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ và chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra, quy định này cũng liên quan đến các thủ tục hành chính khác và sẽ dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền vì hiện nay các hoạt động này đều phải thực hiện các thủ tục hành chính theo các pháp luật liên quan, như: thủ tục về xây dựng đối với xây dựng công trình; thủ tục về khoáng sản đối với việc khai thác cát, sỏi; thủ tục về giao thông đối với việc nạo vét luồng tuyến, xây dựng cầu cảng; thủ tục về môi trường đối với các dự án đầu tư; thủ tục về thủy lợi nếu có liên quan đến công trình thủy lợi… đề nghị cơ quan soạn thảo trao đổi, thống nhất với các cơ quan liên quan, quy định theo hướng người dân và doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục một lần tại một cơ quan, các cơ quan khác phối hợp cho ý kiến và ra quyết định cùng một lúc.
Trước đó, các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự và Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.
Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)