Sáng 27/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, ngày 9/11/2024, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Cơ quan chủ trì soạn thảo đã có báo cáo cập nhật thông tin bước đầu tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH thảo luận tại tổ.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH phát biểu về các vấn đề như: Việc sửa đổi toàn diện Luật Việc làm đã đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững chưa, có đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tương thích với các luật có liên quan hay không.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm, quy định như dự thảo luật đã bao quát hết các đối tượng hay chưa, có phù hợp với chủ trương của Đảng về tăng cơ hội việc làm bền vững cho người trong độ tuổi, sau độ tuổi lao động để tận dụng thời kỳ dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số.
Rà soát quy định thủ tục hành chính trong dự thảo Luật
Tham gia phát biểu thảo luận, nhiều ĐBQH đồng tình với việc ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội; việc ban hành Luật việc làm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề việc làm; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong Luật Việc làm năm 2013; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội; góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.
Góp ý đối với quy định thủ tục hành chính trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại văn bản số 15/CTQH ngày 29/10/2024 về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo đó trên tinh thần cơ bản không quy định thủ tục hành chính, hồ sơ, trình tự thủ tục trong luật mà giao cho Chính phủ, các Bộ quy định.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu nhận thấy còn một số nội dung quy định về thủ tục hành chính như: Trình tự đăng ký lao động (Điều 23); điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về người lao động (Điều 25); trình tự, thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (Điều 63); Trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điều 66); trình tự, thủ tục hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo nâng cao tay nghề (Điều 74, Điều 77)….. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát loại bỏ các quy định về thủ tục hành chính ra khỏi dự thảo Luật và giao cho Chính phủ quy định nội dung này.
Đối với quy định về chính sách của Nhà nước về việc làm (Điều 5), đại biểu đồng tình với 9 chính sách quy định tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung chính sách việc làm đối với lao động nữ đang mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi nhằm tạo việc làm cho lao động nữ, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới và quyền lợi của lao động nữ khi mang thai và nuôi con nhỏ.
Về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Điều 56), đại biểu thống nhất với các nhóm đối tượng được quy định tại dự thảo Luật và cũng thống nhất cao với việc quy định tại khoản 4 Điều 56 dự thảo Luật, theo đó giao “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với đối tượng khác ngoài đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ” với quy định trên đảm bảo tính linh động, chủ động trong quá trình áp dụng.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nhóm “chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh theo quy định” vào đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại dự thảo Luật này, vì đây là nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội vừa được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2015. Mặt khác, trong quá trình hoạt động kinh doanh nhóm đối tượng này có thể gặp khó khăn dẫn đến mất việc làm và thất nghiệp, ví dụ như trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đối tượng này.
Nên quy định tất cả hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vay vốn
Thảo luận tại hội trường, nhiều ĐBQH cũng cho ý kiến về quy định đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm trong dự thảo Luật.
Góp ý về Điều 10 của dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, quy định hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện đảo, xã đặc biệt khó khăn mới được vay vốn thì không công bằng với những hộ nghèo, hộ cận nghèo ở những nơi khác. Tức chỉ quy định hỗ trợ cho xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, còn những hộ nghèo ở những nơi khác lại không được hỗ trợ. Quy định như vậy thì không hợp lý. Do đó, đại biểu đề nghị nên quy định hỗ trợ tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã đặc biệt khó khăn trong cả nước đều được hỗ trợ vay vốn.
Về quy định đăng ký lao động ở Chương 3, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là nội dung rất mới và lớn, tuy nhiên quy định không rõ ràng; đồng thời băn khoăn cơ quan, tổ chức cho đăng ký lao động việc làm là ai, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hay Phòng Lao động hay ở xã, phường? Nếu các cán bộ xã, phường phụ trách đăng ký thêm việc làm lao động thì sẽ gặp nhiều khó khăn vì họ phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Dó đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm tính hợp lý của vấn đề này, nếu không hợp lý thì đề nghị bỏ quy định này ở Chương 3, tránh gây rườm rà cho các cơ sở ở xã, phường.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tán thành với việc sửa đổi Luật Việc làm như Tờ trình của Chính phủ và nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Xã hội của Quốc hội.
Góp ý về tín dụng chính sách giải quyết việc làm (Điều 7), đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho biết, điểm a Khoản 2, quy định nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm: Ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội từ chi đầu tư phát triển khác. Về nguồn vốn Trung ương, đại biểu đề nghị Chính phủ quy định nguyên tắc phân bổ nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội Trung ương đến các Ngân hàng chính sách xã hội địa phương. Trong đó có ưu tiên phân bổ nguồn vốn nhiều hơn đối với các tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp, phụ thuộc lớn vào ngân sách trung ương. Vì các địa phương này có đối tượng có nhu cầu vay vốn rất lớn, nhưng nguồn thu ngân sách hạn hẹp nên việc bố trí vốn từ nguồn ngân sách địa phương sang Ngân hàng chính sách xã hội cũng không nhiều.
Để có thêm nguồn vốn cho chương trình giải quyết việc làm, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét, có cơ chế chuyển nguồn vốn vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, không giải ngân được do hết đối tượng được chuyển sang chương trình cho vay giải quyết việc làm có nhu cầu vốn cao nhưng không có nguồn để cho vay.
Về đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm (Điều 8), đại biểu cho biết, điểm b, quy định là người lao động thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các đối tượng sau: người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình người dân tộc thiểu số. Đây là những đối tượng cũng rất khó khăn, có nhu cầu vay vốn lớn, nhưng rất khó tiếp cận với các ngân hàng thương mại cần tài sản đảm bảo hoặc khả năng chi trả lãi không đáp ứng được yêu cầu.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/du-an-luat-viec-lam-sua-doi-huong-toi-bao-dam-viec-lam-ben-vung-cho-tat-ca-lao-dong-383745.html