Sắp xếp lại tất cả các trường nghề

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) cho rằng còn bất hợp lý, chồng chéo, phân tán, trùng lặp ngành nghề đào tạo và hỏi Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về giải pháp chấn chỉnh tình trạng này để giáo dục nghề nghiệp gắn chặt hơn với thị trường lao động và nhu cầu nguồn nhân lực của từng ngành, từng địa phương.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, việc đào tạo nghề đang được thực hiện theo tinh thần các cơ sở đào tạo tự chủ, trừ một số ngành nghề đào tạo chất lượng cao thì theo đặt hàng của Nhà nước. Tình trạng chung của các trường là tuyển sinh được thì đào tạo, chưa đào tạo theo nhu cầu của thị trường.

Thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với 63 tỉnh, thành phố thực hiện quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sáp nhập các trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo nguyên tắc 3 trong 1 và 2 trong 1. Năm 2023 sẽ tiến hành sắp xếp tất cả các trường nghề ở các địa phương theo tinh thần Chiến lược Giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 mà Chính phủ đã phê duyệt. Như thế sẽ tránh được tình trạng trùng lặp về chức năng, về ngành nghề đào tạo.

Cũng liên quan tới nội dung sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong phần trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm việc sắp xếp này cần gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch địa bàn và quy hoạch ngành nghề, lĩnh vực… Đồng thời sắp xếp lại toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp của các bộ, ngành, đoàn thể.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ví dụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Quốc phòng sắp xếp lại 21 trường đào tạo nghề còn 3 trường có tính chất nòng cốt, đào tạo chất lượng cao và đảm nhận toàn bộ công việc của 21 trường trước đây.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú chất vấn. 

Sắp xếp trường nghề còn khiên cưỡng

Tranh luận lại phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) khẳng định đồng tình với việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhưng đại biểu Dương Minh Ánh nêu quan điểm, việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở này tại các địa phương trong thời gian qua còn có nhiều khiên cưỡng, mang tính cơ học, chưa tính tới yếu tố đặc thù của một số lĩnh vực, dẫn đến nhiều bất cập trong đào tạo và tuyển sinh, nhất là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Theo đại biểu Dương Minh Ánh, các chính sách, chế độ đặc thù cho nhà giáo giảng dạy đối với các lĩnh vực này cũng còn nhiều bất cập, khiến cho việc đào tạo nguồn nhân lực văn nghệ sĩ ngày càng khó khăn hơn. Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét thấu đáo, đánh giá lại việc sắp xếp vừa qua, tránh làm thiếu hụt nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật trong thời gian tới.

Trả lời phần tranh luận của đại biểu Dương Minh Ánh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, không chỉ riêng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, mà ở các địa phương, lĩnh vực khác khi sắp xếp lại các trường đào tạo nghề cũng có một số trường hợp còn khiên cưỡng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. 

Cụ thể, có trường hợp ngành y tế lại xếp chung trường với ngành công nghiệp, cơ khí hoặc văn hóa, nghệ thuật lại ghép chung với các ngành khác để đáp ứng tiêu chí giảm đầu mối cao đẳng nghề tại các địa phương. Từ đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm cần bố trí phù hợp hơn với những ngành nghề có tính chất đặc thù, chuyên biệt như y tế, văn hóa, nghệ thuật…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu rõ, theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thì chỉ sắp xếp đối với các trường có 3 năm liền hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, vừa qua, việc sắp xếp, giảm đầu mối các trường nghề đã xuất hiện một số bất cập. Việc sắp xếp các trường trung cấp ở địa phương do địa phương quyết định. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các địa phương xem xét, rà soát để có giải pháp, quyết định phù hợp.

CHIẾN THẮNG