Sự việc bắt đầu vào ngày 8.3.2024, khi Exhuma: Quật mộ trùng ma (tựa gốc Exhuma) vừa chính thức khởi chiếu tại một số quốc gia. Thị trường Trung Quốc chưa có lịch công chiếu phim này. Phim hiện thu về 65 triệu USD, riêng Việt Nam là 74 tỉ đồng từ khi khởi chiếu hôm 15.3.
Một số cư dân mạng Trung Quốc đã nhanh chóng bày tỏ sự thất vọng với bộ phim Exhuma của điện ảnh Hàn Quốc, khi cho rằng việc vẽ ký tự Trung Quốc lên mặt diễn viên Hàn Quốc trong phim là không phù hợp và đồng loạt chế nhạo, bất kể khi ấy Exhuma đã vượt mốc 7 triệu lượt người xem ở Hàn.
Một bài đăng trên mạng xã hội X (tên mới đổi gần đây của mạng Twitter) của người dùng Trung Quốc đã thu hút được khoảng hơn 6 triệu lượt xem, vì bày tỏ sự không đồng tình với một cảnh trong Exhuma, bởi phương cách người làm phim Hàn Quốc chọn thể hiện các ký tự Trung Quốc lên mặt nhân vật pháp sư như một kiểu trấn ếm cổ xưa.
Người này lập luận rằng trong văn hóa Trung Quốc, việc viết chữ hoặc bị khắc chữ lên mặt được coi là rất thiếu tôn trọng và thậm chí còn là sự sỉ nhục, vốn dĩ chỉ dành cho tội phạm hoặc tội nhân thời xưa khi bị lưu đày. Nhiều ý kiến của cư dân mạng Trung Quốc cũng đã bình luận thêm, theo hướng chỉ trích việc miêu tả văn hóa Trung Quốc trong phim, đồng thời nói rằng việc dịch những từ ngữ Hàn Quốc sang tiếng Trung Quốc sẽ dẫn đến những biểu tượng vô nghĩa.
Đó là bởi, ngoài việc nhân vật trong phim Exhuma vẽ ký tự Trung Quốc lên mặt khi hành nghề pháp sư, khán giả đại chúng – người hâm mộ cuồng nhiệt phim Exhuma tại Hàn Quốc cũng biến việc vẽ chữ trong phim này thành “trend”, theo kiểu “ông đồng bà cốt” vẽ chữ Trung Quốc lên mặt để xua đuổi thế lực tà ác.
Một người dùng Trung Quốc đã tải lên mạng X bản tổng hợp các hình ảnh chân dung đầy chữ Trung Quốc như thế và chỉ trích hành động này, trong một bài đăng ban đầu viết bằng tiếng Anh, sau đó được dịch sang tiếng Hàn. “Thật nực cười khi người Hàn viết những ký tự Trung Quốc trên mặt mà họ thậm chí không biết nghĩa”.
Phiên bản tiếng Hàn của bài đăng đã có hơn 6,3 triệu lượt xem và 71.000 lượt đăng lại.
Netizen Trung Quốc từng nhiều lần tấn kích Kbiz Hàn
Đây không phải là lần đầu tiên cư dân mạng (netizen) Trung Quốc chỉ trích nội dung phim Hàn và nghệ sĩ Hàn Quốc.
Vào tháng 10.2022, khi ca sĩ trẻ Jang Won-young (sinh năm 2004) của nhóm nhạc nữ IVE Hàn Quốc đeo một chiếc kẹp tóc phượng hoàng tại Tuần lễ thời trang Paris, một số netizen Trung Quốc cho rằng nữ ca sĩ đã đánh cắp văn hóa Trung Quốc khi khoe qua Vlog do Vogue Korea phát hành, rằng: “Tôi cài chiếc kẹp tóc này để thể hiện diện mạo của văn hóa Hàn Quốc ở Paris”.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho rằng phượng hoàng và rồng là những hình mẫu truyền thống và là biểu tượng của riêng Trung Quốc.
Nội dung nhiều phim truyền hình Hàn Quốc cũng bị người xem Trung Quốc phản đối. Phim Anna của Coupang Play (dịch vụ phát trực tuyến video dựa trên đăng ký người dùng của Hàn Quốc), với sự tham gia của nữ ca sĩ, diễn viên Bae Suzy, bị hứng “gạch đá” dữ dội từ netizen Trung Quốc trên trang mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc là Weibo, chỉ sau 2 tập lên sóng hồi quãng giữa năm 2022, vì miêu tả quốc gia này là một nơi chuyên sản xuất hàng giả.
Hàn Quốc phản ứng
Cư dân mạng Hàn Quốc khi xem những bài đăng trên mạng X của netizen Trung Quốc đã nhanh chóng phản hồi: “Exhuma là một bộ phim Hàn Quốc. Bạn đang giảng đạo lý cho chúng tôi sau khi đã xem phim trái phép, khi phim vẫn còn chưa chiếu ở nước bạn”.
Giới trí thức Hàn Quốc cũng vào cuộc tranh luận với cư dân mạng Trung Quốc về việc này. Giáo sư Seo Kyungduk tại Đại học Nữ Sungshin cho biết: “Những lời chỉ trích mang tính xây dựng là tốt, nhưng tôi muốn khuyên khán giả Trung Quốc rằng từ bây giờ họ nên ngừng xem các bộ phim của Hàn Quốc một cách bất hợp pháp”. Seo Kyungduk lưu ý: “Hiện tại phim Exhuma chưa được công chiếu chính thức tại thị trường Trung Quốc”.
Giáo sư Seo Kyung-deok đáp lại những lời chỉ trích trực tuyến bằng cách thừa nhận sự công nhận ngày càng tăng trên toàn cầu đối với phim truyền hình và điện ảnh Hàn. Ông cho rằng “khả năng hiển thị ngày càng tăng này có thể dẫn đến nguy cơ hiểu sai nội dung gốc từ các quan điểm văn hóa khác nhau, bằng thái độ tiêu cực lẫn phản ứng thái quá”.
Giáo sư Seo Kyung-deok nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của giao tiếp cởi mở và trao đổi văn hóa đa quốc gia. Ông gợi ý rằng việc người dùng Trung Quốc tham gia vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng có thể thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn, thay vì sử dụng các phương tiện không chính thức để tiếp thu những nội dung tiếng Hàn. Ông chỉ ra những trường hợp mà các bộ phim truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc như The Glory, Squid Game và Extraordinary Attorney Woo đã phải đối mặt với những thách thức do truy cập trái phép, và phương thức phân phối bất hợp pháp ở một số khu vực nhất định.
Nhấn mạnh các vấn đề như sử dụng trái phép tài sản trí tuệ, vi phạm bản quyền trong phản hồi của mình, Giáo sư Seo Kyung-deok nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và nội dung văn hóa, ủng hộ việc chuyển đổi sang các phương tiện tiêu thụ và tương tác hợp pháp với truyền thông nước ngoài.
Sự thật sau những ký tự tiếng Trung trên gương mặt pháp sư phim Exhuma
Trở lại với câu chuyện về ký tự Trung Quốc được vẽ phủ lên toàn bộ gương mặt hai nhân vật pháp sư Hàn Quốc (do nam diễn viên Lee Do-hyun và nữ diễn viên Kim Go-eun thủ vai) trong phim Exhuma, đồng thời được xăm kín trên khắp cơ thể, chính là các trích đoạn từ kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa, nhà Ấn Độ học Max Müller gọi ngắn gọn là Diamond Sutra. Đây là một bộ kinh quan trọng của Phật giáo Đại Thừa, được lưu truyền rộng rãi ở vùng Đông Á, không riêng gì ở Trung Quốc.
Mặt khác, những ký tự này hiển thị hình ảnh trong câu chuyện phim Exhuma là bằng ngôn ngữ Hanja, còn được gọi là Hancha, là các ký tự Trung Quốc vẫn thường được sử dụng trong văn bản tiếng Hàn. Hanja đã được sử dụng ngay từ thời Gojoseon là vương quốc Hàn Quốc đầu tiên (Gojoseon do vị vua huyền sử của Triều Tiên Dangun Wanggom lập ra vương quốc này vào năm 2333 trước Công nguyên). Chữ Hanja chưa bao giờ trải qua bất kỳ cải cách lớn nào, chúng gần giống với các ký tự truyền thống của Nhật Bản và các ký tự truyền thống của Trung Quốc, mặc dù thứ tự nét của một số ký tự nhất định hơi khác nhau. Chỉ một số lượng nhỏ ký tự Hanja được sửa đổi hoặc là duy nhất của tiếng Hàn, phần còn lại giống hệt với các ký tự truyền thống của Trung Quốc.
Ngược lại, nhiều ký tự tiếng Trung hiện đang được sử dụng ở Trung Quốc, Malaysia và Singapore đã được đơn giản hóa và chứa ít nét hơn so với chữ Hanja tương ứng. Hanja từng được sử dụng để viết các từ tiếng Hàn bản địa, nhưng đến thế kỷ 20, người Hàn Quốc chỉ sử dụng Hanja để viết các từ Hán-Hàn, trong khi viết từ vựng bản địa và từ mượn từ các ngôn ngữ khác bằng bảng chữ cái Hangul. Đến thế kỷ 21, ngay cả các từ Hán-Hàn cũng thường được viết bằng bảng chữ cái Hangul, đôi khi có ký tự tiếng Trung tương ứng được viết bên cạnh để tránh nhầm lẫn nếu có các ký tự hoặc từ khác có cùng cách viết.
Theo Từ điển ngôn ngữ Hàn Quốc tiêu chuẩn do Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc (NIKL) xuất bản, khoảng một nửa từ tiếng Hàn là tiếng Trung-Hàn, chủ yếu trong các lĩnh vực học thuật (khoa học, chính trị và xã hội). Như thế có thể thấy, các ký tự bằng ngôn ngữ Hanja được sử dụng trong phim Exhuma vốn dĩ không phải là xa lạ hoặc do những người làm phim Hàn Quốc tùy tiện “vẽ ra” mà không thông hiểu, như cung cách netizen Trung Quốc đang phản bác.