Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vịnh Hạ Long là điểm du lịch nổi tiếng và hút khách của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Đỗ Phương) |
Đặc biệt, trước biến chuyển của thời cuộc và tình hình thế giới, tỉnh kịp thời có những thay đổi tư duy mạnh mẽ về công tác đối ngoại, tạo nền tảng quan trọng giúp công tác đối ngoại có những bước phát triển đột phá.
Từng bước vươn ra biển lớn
Trước khi mở cửa biên giới, Quảng Ninh là 1 tỉnh miền núi, ven biển như 1 ngõ cụt, nơi “sơn cùng, thủy tận”.
Khu Hồng Quảng lúc bấy giờ thường có tàu ngoại quốc ra vào lấy than; ngoại kiều chủ yếu là Hoa kiều, phần đông sinh sống lâu đời ở Việt Nam bằng nghề làm ruộng, công nhân mỏ, đánh cá; ngoài ra còn có các chuyên gia của Pháp (trước năm 1955) và chuyên gia Nga (sau 1955) giúp ta trong việc quản lý và khai thác mỏ than.
Mặc dù công tác đối ngoại của tỉnh Quảng Ninh được quan tâm từ rất sớm với việc thành lập Phòng Ngoại vụ thuộc Khu Hồng Quảng từ tháng 5/1955, tuy nhiên, hoạt động đối ngoại chủ yếu thực hiện chính sách về Hoa kiều, các chuyên gia, thực hiện các cuộc đón tiếp khách nước ngoài và thi hành luật lệ hàng hải.
Trước năm 1986, đường lối, chính sách đối ngoại của nước ta nói chung, cũng như Quảng Ninh chịu tác động và ảnh hưởng bởi sự bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, đồng thời phải tập trung khắc phục những hậu quả nặng nề sau chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh biên giới và đối mặt với nhiều thách thức từ sự kìm hãm của cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp.
Giai đoạn 1986-1996, công tác đối ngoại của tỉnh chủ yếu gắn với mở rộng các hoạt động kinh tế đối ngoại và tập trung thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
Về quan hệ đối ngoại, tỉnh tiếp tục thực hiện hợp tác với các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Năm 1988, Quảng Ninh ký kết hiệp ước hợp tác với tỉnh với Kemerovo (Liên Xô trước đây).
Trên cơ sở chủ trương tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại, đa dạng hoá, đa phương hóa, cùng với việc bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước Việt Nam-Trung Quốc (năm 1991), các hiệp định song phương về hợp tác phát triển kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết, đồng thời Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995), gia nhập ASEM và thực hiện các cam kết lộ trình cắt giảm thuế quan…
Giai đoạn 1996-2006, Quảng Ninh chủ động đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm tích cực hội nhập quốc tế, gồm: Nghị quyết số 05-NQ/TU (năm 1997) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, “Về 1 số chủ trương, biện pháp mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại”; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 29/11/2001, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về 1 số chủ trương, biện pháp tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài và khu công nghiệp giai đoạn 2001- 2005”…
Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ninh đã có những chính sách riêng ưu tiên phát triển kinh tế đối ngoại, thu hút vốn đầu tư FDI và xây dựng kết cấu hạ tầng nên hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh thu được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển mới trong lĩnh vực hợp tác đầu tư phát triển bền vững.
Từ năm 2006 đến nay, công tác đối ngoại của Quảng Ninh phát triển theo hướng: “Tăng cường, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế”.
Năm 2014 là năm đầu tiên tỉnh ban hành nghị quyết chuyên đề về đối ngoại và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 15/8/2014), xác định quan điểm chỉ đạo: “Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Mọi cơ chế, chính sách phải phát huy tính chủ động, tích cực và khả năng sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân, khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của Quảng Ninh, toàn xã hội, các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh”.
Năm 2015, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo về hội nhập quốc tế và các tiểu ban chỉ đạo về hội nhập về kinh tế, hội nhập về văn hóa, xã hội, hội nhập về chính trị, quốc phòng, an ninh; thành lập Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại cấp tỉnh…
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (năm 2015) định hướng: “Khai thác hiệu quả hợp tác liên kết vùng giữa các địa phương, khu vực và quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế, kịp thời nắm bắt các cơ hội, nhận diện, dự báo những khó khăn, thách thức”.
Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại
Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ chỗ chỉ có quan hệ kết nghĩa với Kemerovo (Liên Xô trước đây) và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, đến nay, hoạt động đối ngoại của tỉnh được triển khai theo hướng thống nhất, linh hoạt, toàn diện, phù hợp với tình hình thực tế, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển.
Đến năm 2016, Quảng Ninh chính thức thiết lập quan hệ đối ngoại với 13 địa phương nước ngoài, có quan hệ kinh tế thương mại với trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ và với nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế.
Nổi bật như Diễn đàn hợp tác du lịch Đông Á EATOF, Diễn đàn hợp tác du lịch đảo ITOF; hợp tác 2 hành lang- 1 vành đai Việt Nam-Trung Quốc; Câu lạc bộ các vịnh đẹp thế giới…
Đặc biệt, tỉnh đã chủ động đề xuất một số cơ chế, chính sách hội nhập, đối ngoại đi đầu, đột phá, được Trung ương đánh giá cao, tạo nhiều kết quả, thành tựu cho sự phát triển kinh tế-xã hội, điển hình như: Là tỉnh đầu tiên của cả nước áp dụng thí điểm 1 số chính sách tại khu vực Móng Cái, làm cơ sở cho Trung ương xây dựng chính sách phát triển mô hình các khu kinh tế cửa khẩu và nhân rộng ra phạm vi cả nước; được Chính phủ đồng ý về “1 số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và khu kinh tế Vân Đồn”, là tỉnh đầu tiên làm đường cao tốc bằng vốn xã hội hóa; tỉnh đầu tiên thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công-tư (PPP)…
Từ sự chủ động, tích cực này, công tác đối ngoại của tỉnh có nhiều khởi sắc, quan hệ hợp tác quốc tế không ngừng được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Tỉnh mở rộng hợp tác với đối tác mới, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối tác; xác định đối tác chiến lược, đối tác tiềm năng để chủ động hợp tác, không để tình trạng bị động và dàn trải như trước đây.
Đặc biệt ghi dấu ấn quan trọng trong quan hệ đối ngoại của tỉnh phải kể đến quan hệ với các địa phương của nước láng giềng Trung Quốc, nhất là Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, 2 bên đã hợp tác toàn diện trên cả ba kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao chính quyền và đối ngoại nhân dân.
Ngoài ra, Quảng Ninh đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác với tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu xây dựng đặc khu kinh tế; cơ chế hợp tác trong hành lang kinh tế Vân Nam-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và Quảng Ninh; quan hệ với các địa phương khác thuộc Trung Quốc, như Hải Nam, Phúc Kiến, Triết Giang…
Thông qua các quan hệ hợp tác này, tỉnh Quảng Ninh từng bước xác lập vị trí “cửa ngõ, cầu nối” trong mắt xích hợp tác giữa Việt Nam-ASEAN-Trung Quốc.
Quảng Ninh duy trì quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với 3 tỉnh Bắc Lào (Luông Pha Băng, Xay Nhạ Bu ly, Hủa Phăn).
Nhiều nội dung hợp tác đã được tỉnh triển khai hiệu quả như trao đổi đoàn cấp cao giữa 2 bên nhằm tăng cường hiểu biết, trao đổi, học tập kinh nghiệm trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền; triển khai công tác đào tạo lưu học sinh Lào; hợp tác trên 1 số lĩnh vực kinh tế, văn hoá, du lịch, nghiên cứu đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, tận dụng tiềm năng tài nguyên du lịch của mỗi bên thúc đẩy nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm du lịch đem lại hiệu quả cao.
Ngoài ra, tỉnh cũng phát triển quan hệ đối tác mới, đối tác tiềm năng bằng việc thiết lập quan hệ hợp tác cấp tỉnh với các địa phương có thế mạnh tương đồng thuộc các nước khu vực ASEAN, 1 số đối tác có tiềm năng khu vực châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông, Đông Bắc Á.
Quảng Ninh đẩy mạnh việc mở rộng việc thiết lập quan hệ với các tỉnh, thành phố của Nhật Bản, Hàn Quốc để thúc đẩy đầu tư, kết nối hàng không, thiết lập các tuyến du lịch.
Cùng với đó là mở rộng hoạt động giao lưu quốc tế các nước trong khối ASEAN; triển khai các chương trình hợp tác về du lịch như: Chương trình hợp tác phát triển du lịch Tiểu vùng sông Mekong mở rộng GMS; Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam)-Luang Prabang (Lào)-Udon Thani (Thái Lan); hợp tác du lịch trong khuôn khổ liên khu vực Đông Á (EATOF)…
Ông Kim Jin Tae, Tỉnh trưởng tỉnh Gangwon, Hàn Quốc, cho biết: Quảng Ninh là địa phương có nhiều cơ hội để đầu tư, kết nối phát triển du lịch và các lĩnh vực kinh tế khác, nhất là khi tỉnh Gangwon và tỉnh Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế tương đồng.
Đặc biệt, Quảng Ninh có hệ thống giao thông vô cùng thuận lợi, kết nối trong tỉnh và các địa phương lân cận. Không những thế, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là điểm đến hấp dẫn được nhiều du khách yêu thích.
Bên cạnh lĩnh vực du lịch, chúng tôi đánh giá Quảng Ninh là điểm đến đầu tư rất hấp dẫn. Với lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, còn nhiều dư địa phát triển và môi trường đầu tư-kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, Quảng Ninh hoàn toàn là điểm đến đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp tỉnh Gangwon nói riêng, Hàn Quốc nói chung.
Công tác ngoại giao văn hoá, ngoại giao kinh tế được chú trọng. Hằng năm, đều tổ chức các sự kiện văn hoá đối ngoại trên địa bàn, như Tuần du lịch Hạ Long-Quảng Ninh, Lễ hội hoa anh đào và cử các đoàn nghệ thuật của tỉnh tham gia sự kiện văn hoá ở nước ngoài nhằm giới thiệu về văn hoá-nghệ thuật truyền thống đến với bạn bè thế giới, góp phần mở đường cho quan hệ hữu nghị giữa Quảng Ninh và 1 số địa phương, đối tác nước ngoài.
Vì vậy, trong thời gian qua, số lượng khách nước ngoài đến tham quan và tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác, du lịch trong các lĩnh vực ngày càng tăng; hình ảnh, vị thế của tỉnh đã được nâng cao ở trong nước và trên thế giới…
Tỉnh tăng cường phát huy vai trò và nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút lực lượng này về đầu tư phát triển quê hương; làm tốt nhiệm vụ đón tiếp các đoàn khách quốc tế của Đảng và Nhà nước về thăm, làm việc tại Quảng Ninh.