Tham dự dự hội nghị có các đồng chí là lãnh đạo cấp cao tỉnh Quảng Ninh; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo và đầy đủ các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị từ tỉnh đến cơ sở và cán bộ quản lý giáo dục từ cấp mầm non đến THPT, các nhà giáo được nhận các danh hiệu thi đua khen thưởng.
Theo Báo cáo của Sở GD&ĐT Quảng Ninh, những năm gần đây, ngành giáo dục Quảng Ninh đã có bước tiến mới, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư toàn diện, nâng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 89,19%. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn chuyển biến tích cực.
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt tỷ lệ 97,7%. Công tác phân luồng học sinh sau THCS chuyển biến mạnh mẽ; chương trình xây dựng xã hội học tập đã lan tỏa và phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Quảng Ninh đã được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Học sinh tham dự các kỳ thi đều đạt kết quả tốt; số lượng đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia chiếm 65,56% số thí sinh dự thi; trong đó, năm học 2022 – 2023, đoạt 59 giải, tăng 11 giải so với năm học trước và xếp thứ 13/69 đơn vị dự thi trên toàn quốc.
Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục, nhất là tình trạng thiếu giáo viên, sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các vùng miền, các loại hình trường…, dẫn đến chênh lệch về chất lượng giáo dục. Nhiều địa phương, đơn vị trường có tỷ lệ điểm thi dưới trung bình; điểm học bạ và kết quả thi của một số trường, nhất là nhóm GDTX, tư thục và các địa phương ở vùng không thuận lợi còn có độ lệch lớn…
Các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển giáo dục; phân tích, đánh giá kết quả các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Kỳ thi tốt nghiệp THPT; đồng thời, thống nhất giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký nêu quan điểm: Để giải quyết mọi tồn tại và thực hiện mục tiêu đưa Quảng Ninh nằm trong nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục – đào tạo (chậm nhất là vào năm 2030); toàn tỉnh phải thực hiện tốt mục tiêu, quan điểm là phát triển giáo dục đào tạo là phương diện quan trọng trong mục tiêu nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân.
Đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên đi trước; trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển giáo dục đào tạo đối với các vùng còn nhiều khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung đông công nhân, lao động, KCN và các đối tượng chính sách.
Đẩy mạnh tự chủ giáo dục theo lộ trình, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn cũng như thu nhập cho giáo viên; tăng cường xã hội hóa phát triển giáo dục đào tạo, tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo, phát triển hệ thống trường trung học cơ sở trọng điểm cấp huyện.