(Dân trí) – “Phải ghi nhận nỗ lực của Quang Hải trong việc thoát khỏi “vùng an toàn”. Mặt bằng lương thưởng, lót tay của. V.League đang khiến cầu thủ của chúng ta trở nên thiếu động lực, không muốn phấn đấu”.
Sau khi mùa giải V.League 2024 kết thúc, tiền vệ Nguyễn Quang Hải sẽ chia tay CLB Công an Hà Nội để xuất ngoại thi đấu. Điểm đến của tiền vệ sinh năm 1997 sẽ là đất nước Nhật Bản, song đội bóng mà cầu thủ này đầu quân thì chưa được tiết lộ. Theo nhiều nguồn tin, CLB đó có khả năng là Consadole Sapporo, đội bóng cũ của tiền đạo Lê Công Vinh và ngôi sao người Thái Lan Chanathip Songkrasin.
Trước chuyến xuất ngoại lần này, Quang Hải từng thi đấu tại giải hạng 2 Pháp cho Pau FC nhưng không thành công. Bởi vậy, dù môi trường J.League có thể sẽ dễ chịu hơn so với tại Pháp nhưng nhiều CĐV vẫn tỏ ra bi quan trước khả năng thành công của Quang Hải.
Supachok Sarachat, ngôi sao Thái Lan đang thi đấu thành công tại Consadole Sapporo, có thể trở thành tấm gương để Quang Hải học tập nếu gia nhập đội bóng (Ảnh: J.League).
Những nỗi sợ muôn thuở của cầu thủ Việt Nam
Từ hành trình thất bại trên đất Pháp, những điểm yếu của cố hữu của Quang Hải nói riêng cũng như cầu thủ Việt Nam nói chung phần nào được bộc lộ, đó là thể hình, thể lực và khả năng giao tiếp. Trước thông tin tiền vệ 27 tuổi chuẩn bị xuất ngoại, những nỗi lo trên lại tiếp tục hiện hữu.
Anh Quốc Tuấn Nguyễn viết: “Thể hình như vậy, không thể chơi bóng ngoài lãnh thổ Việt Nam”.
“Thể hình quá khiêm tốn, thật khó khăn khi xuất ngoại. Thái Lan, Hàn Quốc hay Nhật Bản có thể là những môi trường phù hợp, nhưng Quang Hải nên tự lượng sức mình. Nếu không được, cứ đá ở Việt Nam cho lành”, anh Tuan Pham tiếp lời.
Bên cạnh những hạn chế về mặt thể chất, việc cầu thủ Việt Nam xuất ngoại đồng nghĩa với việc chấp nhận sụt giảm về thu nhập cũng như ảnh hưởng đáng kể tới cơ hội được ra sân thi đấu, duy trì nhịp thi đấu thường xuyên. Do đó, nhiều người cho rằng cần đánh giá đầy đủ giữa những thứ được và mất trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
“Xuất ngoại thiệt đủ đường, vừa thu nhập thấp hơn, cơ hội thi đấu lại ít hơn”, độc giả Tiến Dũng Phan chỉ ra vấn đề.
Tương tự, anh Phạm Tuấn viết: “Quang Hải không còn quá trẻ, lại có gia đình rồi, nên cân nhắc khi xuất ngoại. Cậu cần lo nghĩ đến cả chuyện tích lũy tài chính sau khi giã từ sân cỏ trong khoảng 3-4 năm nữa. Do đó, nếu gặp quá nhiều bất lợi, có thể nghĩ tới chuyện chuyển sang một CLB khác ở trong nước, lĩnh một số tiền khổng lồ cùng mức lương chắc chắn cao hơn khi sang nước ngoài thi đấu”.
Với độc giả Nguyễn Ngọc Thạch, người này gợi nhắc về bài học của Công Phượng, người đang chật vật tìm kiếm chỗ đứng trong đội hình Yokohama FC tại J.League 2, để cảnh báo về những thứ mà Quang Hải có thể mất đi nếu không thành công trong chuyến xuất ngoại lần này.
“Cần phải nhận thức mình đang ở trình độ nào. Câu chuyện hơn 1 năm trước ở Pháp chỉ được ra sân vài trận, về nước đá vất vưởng mất một năm mới tìm lại phong độ vẫn còn đó. Hãy nhìn sang Văn Hậu và giờ là Công Phượng, nếu ở Việt Nam họ còn được ra sân thường xuyên, nhưng những chuyến xuất ngoại khiến các cầu thủ này không có cơ hội thường xuyên được thi đấu, dẫn tới cơ bắp và nhịp độ thi đấu không còn. Với Văn Hậu, chúng ta đã mất hẳn đi một hậu vệ trái từng khiến nhiều đối thủ phải ôm hận”, độc giả này tiếc nuối.
Chung quan điểm, độc giả Lam Phuoc viết: “Đá V.League còn chưa ăn thua, xuống phong độ, sang Nhật Bản ngồi dự bị thì học hỏi được gì? Nhìn Công Phượng, Tuấn Anh là minh chứng, xem sang đó học hỏi được gì hay chỉ như ngồi nhà bật Youtube xem họ thi đấu? Theo tôi nên ở lại Việt Nam hoặc sang những nước Đông Âu có nền bóng đá hạng trung để học hỏi, bởi tư duy chơi bóng của người châu Âu rất hiện đại”.
Nhiều người lo ngại với nền tảng thể lực và thể hình hạn chế, Quang Hải có thể tiếp tục gặp thất bại khi xuất ngoại (Ảnh: Mạnh Quân).
“Đi đâu chơi bóng là quyền lựa chọn của Quang Hải. Cá nhân tôi cho rằng chuyến đi Pháp lần trước là một sai lầm lớn và đã thất bại hoàn toàn. Hiện nay, dù Hải đã dần lấy lại phong độ nhưng với thể hình nhỏ con cùng phong độ chỉ tương đồng ở mức giải hạng 3 – hạng 5 của châu Âu, thà rằng cậu ta ở Việt Nam và được trọng dụng, ưu ái với mức lương ổn định còn hơn sang châu Âu làm cầu thủ vô danh và chẳng có tác dụng gì cho sự nghiệp. Quang Hải năm nay cũng đã gần 30 tuổi rồi”, CĐV Lê Hoàng viết.
“Quang Hải nên biết mình là ai. Sang nước ngoài để mài đũng quần trên ghế dự bị như Công Phượng thì sang làm gì?”, người dùng Lê Vĩnh Phượng bình luận.
“Quang Hải ở giải trong nước là một ngôi sao còn tại Nhật Bản thì vị thế của cầu thủ này chẳng khác gì tại Pau FC cách đây 2 năm. Nếu thất bại lần này, khi về nước, Quang Hải sẽ chạm tới ngưỡng tuổi sườn dốc bên kia của sự nghiệp”, ý kiến từ độc giả Việt Anh.
“Đến đó để đá chứ không phải để nhìn người ta đá”
Dù còn muôn vàn khó khăn và gặp phải nhiều ý kiến phản đối bởi hàng loạt lý do khác nhau, việc ngôi sao quê Đông Anh xuất ngoại chỉ còn là vấn đề thời gian. Trái ngược với những bình luận tiêu cực, bi quan, không ít người bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối với quyết định này và tin tưởng vào những giá trị tích cực mà Quang Hải có thể mang lại từ chuyến đi tới.
“Không chỉ Quang Hải, bất cứ cầu thủ nào xứ mình muốn và được xuất ngoại thi đấu đều là nỗ lực đáng khen. Có điều các cầu thủ nên có tư vấn, xem xét, đánh giá CLB mình muốn đến có phù hợp hay không. Đến đó để đá chứ không phải ngồi nhìn người ta đá. Chúc Quang Hải đạt được mong ước và thành công”, độc giả Nam Châu khích lệ.
“Để đá nước ngoài, cầu thủ Việt Nam cần tham khảo những HLV có kinh nghiệm, có nhiều trải nghiệm tại các môi trường bóng đá họ muốn hướng tới để biết khả năng của mình nên đá ở đâu cho phù hợp, tránh tình trạng sang thi đấu với những bản hợp đồng mang tính thương mại, không cần thiết cho đội bóng. Hy vọng Quang Hải sẽ có sự lựa chọn chính xác”, anh Lê Hữu Long bình luận.
Ngoài Quang Hải, Nguyễn Hoàng Đức được kỳ vọng là cầu thủ Việt Nam tiếp theo xuất ngoại trong thời gian tới (Ảnh: Minh Quân).
“Dù yêu ghét ra sao, chúng ta đều phải ghi nhận nỗ lực và sự chuyên nghiệp của Quang Hải trong việc thoát khỏi “vùng an toàn” của bản thân. Mặt bằng lương thưởng, lót tay quá cao của V.League cùng sự ưu ái, nuông chiều và hàng loạt đãi ngộ, phúc lợi khác của các đội bóng khiến cầu thủ của chúng ta ưu tiên lựa chọn an toàn là thi đấu trong nước thay vì cố gắng vươn mình và chạm đến những nền bóng đá hàng đầu. Đó chính là lý do vì sao bao nhiêu năm qua, ngay cả tại thời điểm hưng thịnh dưới thời HLV Park Hang-seo, cầu thủ Việt Nam chưa bao giờ đạt tới trình độ tiệm cận châu Á.
Chuyến đi này của Quang Hải nếu thành công sẽ là tiền đề, mở lối cho các cầu thủ Việt Nam tiếp tục sang Nhật Bản và các nước khác thi đấu, tương tự trường hợp thành công của bóng đá Thái Lan. Còn nếu không, những bài học mà Quang Hải thu về vẫn sẽ là những kinh nghiệm quý giá, không chỉ với cầu thủ này mà còn với lứa cầu thủ sau để tiếp tục rèn luyện khả năng, tích lũy kiến thức để chạm tới những nền bóng đá hàng đầu châu lục.
Bóng đá Việt Nam hiện nay có rất nhiều cầu thủ đủ sức chơi bóng cho những môi trường bóng đá hàng đầu châu Á, tiếc rằng cầu thủ của chúng ta lại thiếu đi tham vọng và lựa chọn những nước đi an toàn. Mong rằng chuyến đi của Quang Hải có thể thay đổi được nếp tư duy theo lỗi mòn này”, độc giả Hoàng Linh chia sẻ.
Hoàng Diệu – Dantri.com.vn