Hãng xe máy điện D.B gây tranh cãi dữ dội khi tung video quảng cáo dòng sản phẩm mới với sự góp mặt của hai nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ – Quốc Nghiệp.
Trong video này, hai nhân vật chính là Quốc Cơ – Quốc Nghiệp đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, thực hiện màn trình diễn xiếc chồng đầu khi đang điều khiển xe.
Trả lời VTC News, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hai nghệ sĩ Quốc Cơ – Quốc Nghiệp là những người nổi tiếng trong lĩnh vực diễn xiếc và đã từng biểu diễn ở nước ngoài, được nhiều người biết đến.
Tuy nhiên không phải chỗ nào cũng có thể làm xiếc, làm xiếc ở trên đường giao thông mà không được cơ quan chức năng cho phép thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Cường, cơ quan chức năng sẽ làm rõ clip này, đặc biệt là làm rõ đơn vị sản xuất clip để thực hiện hoạt động quảng cáo có phù hợp với quy định pháp luật về quảng cáo hay không để xem xét xử lý cả hai nghệ sĩ này và đơn vị thực hiện hoạt động quảng cáo không đúng quy định pháp luật (nếu có).
Theo quy định của pháp luật, người tham gia xe máy điện trong nhiều trường hợp phải đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Ngoài ra luật giao thông đường bộ cũng quy định về quy tắc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trong đó nghiêm cấm các hành vi gây mất an toàn giao thông khi tham gia giao thông của các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ trong đó có cả xe máy và xe máy điện.
Luật sư Cường cho biết thêm, những người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không được có những hành vi gây mất trật tự an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho bản thân và những người khác tham gia giao thông.
Hành vi làm xiếc trên xe máy điện bằng hình thức chồng đầu lên nhau khi tham gia giao thông là hành vi rất nguy hiểm, nếu không may tai nạn xảy ra thì hậu quả sẽ là rất nghiêm trọng, hành vi này có thể tác động những tâm lý tiêu cực cho người tham gia giao thông phải đặc biệt là cho những người trẻ sử dụng xe máy điện.
“Hai nghệ sĩ Quốc Cơ – Quốc Nghiệp đã vi phạm các quy định của Luật giao thông đường bộ về các quy tắc đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với xe mô tô, xe gắn máy. Bởi vậy hành vi này sẽ bị xem xét để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật nếu hành vi chưa đến mức được xác định là nguy hiểm cho xã hội.
Cơ quan chức năng cũng sẽ tiếp tục làm rõ, đánh giá những tác động tiêu cực từ những hình ảnh phản cảm này đối với xã hội.
Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì hai nghệ sĩ này có thể còn bị xử lý hình sự Theo quy định tại điều 318 về tội gây rối trật tự công cộng giống như trường hợp của Ngọc Trinh và trường hợp của hai vợ chồng “làm xiếc” trên xe SH trên đèo Hải Vân vừa qua chứ không đơn giản chỉ là áp dụng chế tài hành chính”, luật sư Cường nói.
Đối với đơn vị thực hiện hoạt động quảng cáo, theo luật sư Cường thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ doanh nghiệp này có thực hiện hoạt động quảng cáo theo đúng quy định của luật quảng cáo hay không, việc quảng cáo có xin phép và được cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức thực hiện hoạt động quảng cáo như vậy hay không để xử lý theo quy định của pháp luật về quảng cáo.
“Trong trường hợp hành vi được xác định đến mức nguy hiểm cho xã hội thì cả nghệ sĩ và doanh nghiệp thực hiện hoạt động quảng cáo đều có thể bị xem xét xử lý với những chế tài nghiêm khắc.
Vấn đề này cơ quan chức năng cũng sẽ tiếp tục làm rõ hành vi, làm rõ trình tự thủ tục thực hiện hoạt động quảng cáo, đánh giá tác động của hành vi đã gây ra đối với xã hội để xem xét xử lý bằng những chế tài của pháp luật, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành”, luật sư Cường cho biết thêm.
Còn theo luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), hãng xe máy điện đăng tải clip với nội dung chính là quảng cáo xe điện không thuộc các nhóm đối tượng bị cấm quảng cáo theo Điều 8 Luật quảng cáo năm 2012. Tuy nhiên lại gây tranh cãi với màn trình diễn nghệ thuật chuyên nghiệp được thực hiện bởi 2 diễn viên là Quốc Cơ và Quốc Nghiệp.
Luật sư Tuấn cho biết, hình thức biểu diễn nghệ thuật trong đoạn quảng cáo được quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, cụ thể: Tổ chức biểu diễn nghệ thuật không trực tiếp trước công chúng được đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình và môi trường mạng do người đăng, phát chịu trách nhiệm.
Như vậy, theo luật sư Tuấn, đây vẫn được xem là một hình thức biểu diễn nghệ thuật được pháp luật công nhận, tuy nhiên người đăng tải phải tự chịu trách nhiệm và vẫn phải tuân theo Điều 3,4,5 của Nghị định số 144/2020/NĐ-CP. Hiện nay, trong Luật giao thông đường bộ năm 2008 không quy định về việc cấp phép quảng cáo.
Khoản 2 Điều 30 Luật giao thông đường bộ có quy định cụ thể: Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
“Tuy màn trình diễn có dòng cảnh báo trong video là đã được thực hiện bởi các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nằm trong trong khu vực được kiểm soát riêng, không gây ảnh hưởng tới tình trạng giao thông và có khuyến cáo người xem không được thử theo bất cứ hình thức nào.
Nhưng đây lại là video quảng bá được thực hiện bởi những người có sức ảnh hưởng lớn với giới trẻ, nên hành động không đội mũ bảo hiểm khi lan truyền trên Internet phần nào đó chưa thực sự phù hợp với chuẩn mực xã hội, từ đó có thể làm sai lệch ý nghĩ của giới trẻ nói riêng và người tiêu dùng trong nước, cũng như nước ngoài nói chung”, luật sư Tuấn nói.
Theo quy định tại điểm D, khoản 1 tại Điều 3 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định: “Xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h”.
Khoản 4 Điều 6 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng, về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định mức phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
“n) Không đội ”mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội ”mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ;
o) Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật”.
Lương Ý