Ngày 17/7, báo điện tử Dân Trí đăng tải bài viết: “Những lần “bị đánh” thót tim với bảo mẫu của voi, hà mã”, kể về công việc của những người chăm thú ở vườn thú Hà Nội (công viên Thủ Lệ).
Hình ảnh những chú voi da nhìn như già nua, nhiều vùng da bị bạc, tai sứt sẹo, nhiều người bày tỏ xót xa, băn khoăn về lý do hai cá thể voi tại đây phải sống trong cảnh xiềng xích.
Nhiều độc giả đặt câu hỏi, việc chăm sóc voi hiện nay có đảm bảo? Tại sao những con voi trong vườn thú bị xích?
Có người lên tiếng kêu gọi giải cứu những chú voi này và mong muốn chúng sớm được trả tự do.
Trao đổi với phóng viên Dân trí để phản hồi những ý kiến này, đại diện phòng kỹ thuật vườn thú Hà Nội cho biết, hai cá thể voi hiện tại được Vườn thú Hà Nội tiếp nhận vào tháng 7/2010 (tên gọi là Thái) và tháng 4/2014 (tên gọi Banang).
“Voi Thái được vườn thú tiếp nhận từ Quân khu 9 còn Banang là chúng tôi được người dân Đăk Lăk tặng sau đó 4 năm. Hai cá thể voi này Vườn thú Hà Nội tiếp nhận với mục đích nuôi dưỡng, bảo tồn động vật hoang dã”, đại diện phòng kỹ thuật thông tin.
Việc hai chú voi bị giới hạn phạm vi di chuyển, hoạt động với những dây xích được buộc ở chân, lý do, theo cán bộ kỹ thuật này, khi được đưa về đây, 2 cá thể động vật này có tính cách rất hung dữ. Do đó, có thời điểm, quản tượng phải xích mỗi cá thể ở một khu vực khác nhau để tránh xảy ra xung đột.
“Voi Thái trước khi vườn thú tiếp nhận đã từng bị xích chân do cậu chàng có tính cách hung dữ. Hai cá thể voi ở Vườn thú hiện tại không cùng đàn, cùng nguồn gốc, lại thể hiện tính cách hung dữ nên có thời điểm chúng tôi phải xích lại để chúng không đánh nhau. Việc xích giữ voi cũng để đảm bảo an toàn cho quản tượng và nhân viên trực tiếp chăm sóc”, vị cán bộ kỹ thuật của vườn thú nói.
Anh Phạm Ngọc Anh, tổ trưởng tổ chăn nuôi voi – hà mã cũng giải thích, đặc tính của loài voi, không phải cá thể nào cũng dễ thuần phục.
Hơn 20 năm gắn bó với vườn thú, vị tổ trưởng cho biết đã nhiều lần chứng kiến voi đang bình thường bỗng nhiên bột phát những hành động hung dữ.
“Dù đã nhiều năm trực tiếp chăm sóc những “cậu chàng” này, chúng tôi cũng không thể dám chắc voi không “đánh” mình. Mỗi khi cho voi ăn hay dọn vệ sinh, anh em đều bảo nhau phải hết sức cảnh giác vì chỉ cần nghe tiếng động lạ, tiếng còi xe hú ngoài đường bầy voi cũng có thể giật mình, phản ứng bột phát”, anh Ngọc Anh cho biết.