Những ý kiến trên do bạn đọc Tuổi Trẻ Online gửi về sau khi đọc bài viết Tranh cãi đi ăn quán Ngự Bình, tô bún bò 105.000 đồng đắt hay rẻ?
Sau hơn 6 tiếng đăng tải, bài viết nhận gần 50 ý kiến của bạn đọc. Trong đó, vẫn là hai luồng ý kiến trái chiều.
Một bên phản đối mức giá cao đối với các món ăn ở quán Ngự Bình, một bên đưa ra quan điểm, lý giải thêm về việc vì sao đồ ăn ở quán này lại có mức giá “đắt đỏ” như vậy.
Giá tô bún bằng thu nhập người lao động làm nửa ngày
Có hơn 10 độc giả “than trời” khi thấy giá của tô bún bò lên đến 105.000 đồng ở quán Ngự Bình.
Bạn đọc Lê Đình Khôi nói vui: “Bún dâng vua!”. Còn bạn đọc Hoa Vàng thì hài hước nhận định: “Quá đắt, tô bún này nếu quán mặt tiền đường lớn, không gian khá khá, bán cũng chỉ 50.000 đồng. Nếu ở nhà vợ nấu cao lắm là 25.000 đồng, cũng rất ngon nhé”.
Nhiều người cũng so sánh giá cả của các món ăn ở Ngự Bình so với các quán tương tự nhưng có mức giá chỉ từ 30.000 – 40.000 đồng và đồ ăn cũng nhiều hơn gấp 2 -3 lần.
Thậm chí, có người còn nhận định rằng quán ăn này chỉ dành cho những người thừa tiền.
Bạn đọc Nguyễn Văn Thoại cho rằng: “Ăn tô bún bằng thu nhập người dân lao động làm việc nửa ngày…”; còn độc giả Hoàng Hóa thì nhận định: “Có lẽ quán chỉ nhắm đến một số đối tượng chứ không để phục vụ cho cộng đồng. Giá đó là quá mắc đối với đại đa số người dân”.
Một bạn đọc đã ghé quán Ngự Bình trải nghiệm và nêu ý kiến của mình dưới bài đăng của Tuổi Trẻ Online:
“Tôi đã ăn. Nhận xét là bún ngon, phục vụ theo kiểu gia đình nên hơi lâu. Tuy nhiên tôi sẽ không ghé ăn nữa vì trên bill tính tiền có một loại phí rất là vô lý, đó là phí gọi điện giữ chỗ 5.000 đồng/người”.
Ăn ở quán Ngự Bình cũng giống như xài hàng hiệu?
Bên cạnh các ý kiến trái chiều thì có nhiều độc giả đồng thuận với mức giá được cho là cao “ngất ngưởng” so với mặt bằng chung ở quán Ngự Bình.
Bạn đọc Nguyễn Dũng nêu quan điểm: “Bún bò Huế có cả trăm hương vị, giá cả đắt hay rẻ tùy theo thực khách. Hương vị quán nào đó bạn cảm thấy ngon thì bạn thích, không ngon thì bạn chê.
Giá cả đối với người này chấp nhận được, người khác không chấp nhận cũng là lẽ thường tình”.
Còn độc giả Hồng Vân thì so sánh việc ăn ở quán Ngự Bình cũng như việc xài hàng hiệu:
“Quán nổi tiếng, có thương hiệu, niêm yết giá cả rõ ràng, kinh doanh đúng pháp luật thì miễn bàn. Cũng giống như bạn xài hàng hiệu vậy thôi, giá trị thương hiệu có khi gấp cả ngàn lần giá trị thực của món hàng”.
Nhiều người nhận định rằng những món ăn ở Ngự Bình đắt đỏ có thể là do giá cả nguyên liệu, giá trị thương hiệu, chi phí nhân công, mặt bằng ở Sài Gòn cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành khác.
Bạn đọc Mr 2 phân tích: “Giá rõ ràng thì bình thường thôi. Giàu thì ăn thường xuyên. Nghèo thì thưởng thức cho biết hoặc không. Món ăn quan trọng nước lèo, đôi khi giá thành nằm ở đó thì sao”.
Độc giả Nha Bui bảo: “Thưa quý vị, đến Ngự Bình, quý vị không chỉ ăn mà còn là thưởng thức bầu khí thanh tĩnh nhẹ nhàng, tiếng nhạc nhè nhẹ, và phong cách ăn rất riêng và được tôn trọng tối đa. Giá trị này làm nên giá cả và không thể so sánh với quán khác”.
Còn có người thì cho rằng các bạn trẻ có thu nhập trung bình không nên đến đây, bởi quán Ngự Bình đã có từ rất lâu và chọn nhóm khách hàng mục tiêu có thu nhập cao, thích thưởng thức hương vị đặc biệt của các món ăn Huế.
Nhiều người cũng cho rằng có lý do để quán Ngự Bình tồn tại lâu dài bởi có lượng khách quen. Họ thích và chấp nhận giá cả để lui tới. Nếu không thích thì không cần quay lại, quán ăn không có khách thì ắt hẳn sẽ giảm giá.
Thậm chí, chủ của quán ăn có tài khoản tên “Thanh Doan” cũng phân trần dưới bài viết của Tuổi Trẻ Online: “Cả nước có hơn 100 triệu dân, quán em là quán ăn gia đình. Chỉ mong đón được hơn 100 khách mỗi ngày là mệt rồi”.
Bạn đọc Coc bảo: “Thực ra là ở chúng ta, nhiều hàng quán bán chất lượng nhưng ít mà giá cao vẫn hút khách, nhiều hàng quán bình dân nhưng chất lượng không cao nên không có khách”.
Còn với độc giả Lão gàn thì giờ đây, yêu cầu ngon, bổ và rẻ ít ai có thể đáp ứng được. Và ta cũng không nên áp đặt suy nghĩ về mọi vấn đề với người khác. Điều này sẽ rất khó xây dựng được cộng đồng.