Những năm qua, cùng với tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) trên địa bàn huyện Yên Lập hoạt động, cơ quan chức năng của huyện tăng cường biện pháp quản lý nhằm hạn chế vi phạm trong lĩnh vực này, góp phần tạo việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.
Hạt Kiểm lâm huyện Yên Lập kiểm tra cơ sở nuôi cầy của hộ anh Nguyễn Định ở xã Đồng Thịnh.
Anh Nguyễn Định ở xã Đồng Thịnh là một trong những hộ trên địa bàn huyện nuôi cầy chia sẻ: “Nhận thấy địa phương có điều kiện phù hợp về khí hậu, thức ăn để chăn nuôi cầy nên đầu năm 2019, tôi đã đầu tư 60 triệu đồng xây dựng chuồng, mua cầy vòi mốc, cầy vòi hương giống về nuôi. Trước khi nuôi, gia đình đã báo cáo và được lực lượng kiểm lâm hướng dẫn đầy đủ hồ sơ thủ tục đăng ký để được cấp mã số cơ sở nuôi. Các thời điểm xuất, nhập đàn, gia đình đều thông báo đầy đủ với cán bộ kiểm lâm. Với 26 cá thể ban đầu, đến nay cơ sở của gia đình đã phát triển lên hơn 40 cá thể. Hiện giá bán cầy thương phẩm khoảng 1,8 triệu đồng/kg, giá cầy giống khoảng 14-15 triệu đồng/đôi, mang lại thu nhập khá cho gia đình”.
Yên Lập hiện có 14 cơ sở nuôi nhốt ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, động vật rừng thông thường với số lượng hơn 500 cá thể. Các ĐVHD được gây nuôi chủ yếu là cầy vòi mốc, cầy vòi hương, dúi, gấu ngựa.
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền Nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm; không săn bắt, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn.
Đồng thời, xây dựng phương án phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật về săn, bẫy, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn.
Ngoài các quy định về việc gây nuôi ĐVHD theo quy định, định kỳ cán bộ phụ trách của Hạt xuống các cơ sở gây nuôi ĐVHD để kiểm tra, kiểm soát và thu thập thông tin như: Sự biến động về đàn, tình hình gây nuôi, các cá thể gây nuôi cụ thể... hướng dẫn các cơ sở gây nuôi mới về các thủ tục cần thiết, việc cấp mã số cơ sở.
Đồng chí Đỗ Mạnh Hiệp - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Cùng với tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở gây nuôi ĐVHD trên địa bàn hoạt động, cơ quan chức năng của huyện cũng tăng cường công tác quản lý nhằm hạn chế vi phạm trong hoạt động này. Hiện tổng số loài ĐVHD đang gây nuôi tại các cơ sở trên địa bàn huyện đều có nguồn gốc hợp pháp. Các cơ sở nuôi chấp hành đúng quy định của Nhà nước về chuồng nuôi kiên cố, phù hợp với đặc tính của loài được nuôi, đảm bảo vệ sinh, an toàn cho con người; thực hiện theo dõi, ghi chép đầy đủ đầu vật nuôi, khi có biến động tăng, giảm đàn các cơ sở đều báo cáo kịp thời theo quy định. Việc gây nuôi sinh trưởng, sinh sản các loài này vừa giúp bảo tồn nguồn gen ĐVHD, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện Yên Lập tiếp tục phối hợp với ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ ĐVHD; tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc gây nuôi ĐVHD nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đưa hoạt động gây nuôi ĐVHD vào nền nếp; xử lý nghiêm trường hợp nuôi nhốt lợi dụng mua ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp để hợp thức hóa, trục lợi.
Hoàng Hương
Nguồn: https://baophutho.vn/quan-ly-cac-co-so-gay-nuoi-dong-vat-hoang-da-220438.htm
Bình luận (0)