Vị quan chức Mỹ, không tiết lộ danh tính, còn khẳng định khinh khí cầu trên không gây ra mối đe dọa nào đối với hàng không dân dụng hoặc an ninh quốc gia. Quả khinh khí cầu đó cũng không có khả năng tự điều khiển khi di chuyển ở độ cao từ 13.100 đến 13.700 m, theo vị quan chức.
Vị quan chức không cung cấp thêm thông tin chi tiết về quả khinh khí cầu. Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về thông tin trên.
Trước đó, vào ngày 4.2.2023, một chiến đấu cơ Mỹ đã bắn hạ thứ mà Lầu Năm Góc cho là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc có khả năng thu thập thông tin tình báo về Mỹ.
Giới chức Mỹ còn cho rằng quả khinh khí cầu đó, bị bắn ở ngoài khơi bang Nam Carolina (Mỹ), có thể tự điều khiển.
Phía Trung Quốc đã phủ nhận việc sử dụng khinh khí cầu để do thám Mỹ, nói rằng khinh khí cầu trên được sử dụng cho mục đích khí tượng và khoa học khác và đi lạc vào không phận Mỹ một cách “hoàn toàn vô tình”, theo Reuters.
Sau khi khinh khí cầu Trung Quốc nói trên bị bắn hạ, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) Glen VanHerck cho các phóng viên hay quân đội và cộng đồng tình báo Mỹ đã thực hiện các bước toàn diện để bảo vệ trước khả năng thu thập thông tin tình báo của khinh khí cầu đó.
Khinh khí cầu Trung Quốc có thể đã tìm cách lẩn tránh khi bị Mỹ phát hiện?