(GLO)- Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng đôi lần tham gia những cuộc tranh luận gay gắt với người khác. Trong cuộc tranh luận ấy, mỗi người đều ra sức bảo vệ ý kiến của mình, không ai chịu ai.
Sở dĩ cuộc sống thường xảy ra tranh cãi là vì mỗi người có một quan điểm riêng mang tính cá nhân rất rõ nét. Quan điểm cá nhân chính là cách chúng ta suy nghĩ, đánh giá về một vấn đề/một người/một sự việc… nào đó dưới góc độ của riêng mình. Quan điểm cá nhân mang tính chủ quan nên không thể khẳng định đúng/sai. Tùy thuộc vào ngữ cảnh giao tiếp mà chúng ta có thể đánh giá những quan điểm cá nhân của từng người phù hợp hay chưa phù hợp. Quan điểm cá nhân thuộc về tư duy, nếp nghĩ, nên có người, từ một lối mòn tư duy chủ quan riêng của mình mà sinh ra những quan điểm rất cực đoan, thậm chí trở thành định kiến.
Nói về định kiến, có nhiều cách hiểu khác nhau dưới góc nhìn của các nhà xã hội học. Song có một điểm chung là, định kiến có liên quan đến những nếp suy nghĩ, quan điểm thường không thuận lợi. Đó là những đánh giá chủ quan đối với một cá nhân hoặc một nhóm người về giới tính, nghề nghiệp, quan hệ xã hội, tuổi tác, tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ, quốc tịch, hình dáng bên ngoài hoặc là các đặc điểm cá nhân khác.
Theo từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên thì “Định kiến là ý kiến riêng đã có sẵn, khó có thể thay đổi được”. Ngược dòng thời gian, ta có thể thấy có nhiều định kiến tồn tại trong khoảng thời gian dài, nhất là trong xã hội phong kiến. Đó là tư tưởng trọng nam khinh nữ, phân biệt giai cấp, định kiến về mối quan hệ hôn nhân…
Thật khó có thể chấp nhận giữa thời đại 4.0 vẫn còn những người đàn ông gia trưởng, mang tư tưởng của mấy trăm năm trước áp đặt vào cuộc sống gia đình. Rằng tất cả mọi việc trong nhà, từ sinh con, chăm sóc con cái, phụng dưỡng cha mẹ, cơm nước, giặt giũ… là việc của phụ nữ. Trong khi họ vẫn phải đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Còn đàn ông, ngoài giờ hành chính, có thể thoải mái đi chơi thể thao, tụ tập bạn bè, hoặc có về nhà cũng nằm gác chân lướt điện thoại, xem ti vi trong lúc chờ cơm. Ngày càng có nhiều chị em tìm đến các trung tâm tư vấn hôn nhân và gia đình để được trợ giúp về tâm lý. Trong khi hàng ngày, ở bất cứ đâu, chúng ta đều có thể nghe thấy nhiều điều đẹp đẽ về bình đẳng giới, về nữ quyền… Nhưng liệu cái định kiến thủ cựu về giới tồn tại hàng ngàn năm kia có thật sự được xóa bỏ hay chưa, vẫn là điều còn phải nói đến nhiều.
Hay như việc phải mất nhiều thời gian, xã hội mới có được sự hiểu biết một cách thấu đáo hơn về cộng đồng LGBT-cộng đồng những người có giới tính đặc biệt (viết tắt của các từ lesbian-đồng tính nữ, gay-đồng tính nam, bisexual-song tính và transgender-chuyển giới). Trước đây, khi thấy một đứa trẻ có vấn đề về giới tính, các bậc cha mẹ hầu như ngay lập tức ngăn cấm con em mình không được tiếp xúc, giao lưu. Trong con mắt của nhiều người thì LGBT là những kẻ “bệnh hoạn”, nhiều ông bố bà mẹ còn cảm thấy xấu hổ nếu chẳng may có một đứa con như thế. Nhưng rồi, khi xã hội phát triển, bằng rất nhiều kênh thông tin khác nhau, người ta đã có những cách nhìn nhận khác.
Ngày 3-8-2022, Bộ Y tế ban hành Công văn số 4132/BYT-PC, trong đó khẳng định “đồng tính không phải là bệnh, không cần chữa”. Nhờ đó, những định kiến dành cho những người có vấn đề về giới tính, có lẽ cũng bớt khắt khe đi nhiều phần.
Mỗi người là một cá thể. Người xưa có câu “chín người mười ý” để nói về quan điểm riêng của mỗi người. Ở xã hội nào cũng vậy, có những người có tư tưởng rất tiến bộ, đi trước thời đại hàng trăm năm. Bên cạnh đó, lại có những người cảm giác như luôn kéo lùi lịch sử lại vì những quan điểm lạc hậu, chậm tiến. Tất nhiên, không thể áp đặt suy nghĩ của người này vào cuộc đời của người khác bởi tư duy giống như một lối mòn, người ta cứ đi mãi theo lối mòn mà mình đã khai phá mà ít khi nào chịu tìm ra một hướng mới. Có những quan niệm tồn tại rất lâu đời và trở thành định kiến xã hội. Có thay đổi được những định kiến đó hay không, tất cả phụ thuộc vào suy nghĩ của cá nhân mỗi người. Vậy nên, đừng vì những quan niệm thủ cựu mà bỏ qua những điều tốt đẹp đang chờ đợi mình ở phía trước.