Nhiều năm trở lại đây, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt rất nghiêm khắc tinh thần cấm tặng quà Tết cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới.
Năm nay, Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng cũng được ban hành rất sớm, trong đó nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm việc không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.
Việc Trung ương ra chỉ đạo quán triệt tinh thần cấm tặng quà Tết, cấm cấp dưới đi Tết cấp trên, địa phương đi Tết Trung ương đã có những kết quả đáng ghi nhận.
Thực tế, nhiều năm nay đã không còn tình trạng cứ gần Tết là xe biển xanh của các địa phương rầm rập kéo về Hà Nội.
Đây cũng là chỉ đạo có ý nghĩa rất lớn, bởi nó giải tỏa được tâm lý nặng nề cho cấp dưới.
Trước đây, có lệ cứ đến Tết là tặng quà, biếu xén như một “nghĩa vụ”, nếu không biếu xén lại lo sợ cấp trên “để ý”. Nhiều người lo sợ và coi đây như “gánh nặng”, nhưng vì đã thành nếp nên vẫn phải theo.
Người Việt Nam vốn trọng nghĩa tình, luôn nêu cao truyền thống ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Bởi thế mà mỗi dịp Tết đến, xuân về, người ta vẫn thường tặng quà nhau để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn, trân trọng.
Cần phải khẳng định, việc tặng nhau món quà nhỏ dịp đầu xuân năm mới là phong tục tốt đẹp, không có gì xấu.
Tuy nhiên, làm thế nào để phong tục này không bị biến tướng, lợi dụng biếu xén cấp trên với những động cơ không trong sáng chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Nếu có động cơ xấu, chẳng cần chờ đến dịp Tết, người ta có thể tặng quà bất cứ khi nào. Và với công nghệ hiện đại như ngày nay, việc biếu quà đâu cần phải gặp mặt trực tiếp?
Nói cách khác, về mặt hình thức, rất khó nhận biết và rất khó kiểm soát việc tặng quà Tết. Rõ ràng nhiều người không cần đến nhà nhau, không cần đến cơ quan, thậm chí không cần gọi điện, nhắn tin cho nhau, nhưng họ vẫn có thể thông qua bằng nhiều cách để tặng quà và nhận quà.
Nhưng dù thế nào đi nữa, việc tặng quà vì tình cảm hay vì động cơ cá nhân thì chắc chắn cả người tặng và người được tặng đều sẽ nhận ra ngay.
Chẳng hạn, như phiên xét xử cựu chủ tịch NXB Giáo dục Nguyễn Đức Thái diễn ra chiều 16/1, nội dung cho thấy nhờ nâng đỡ các đối tác, bị cáo Thái đã nhận được gần 25 tỷ đồng tiền hối lộ. Các dịp Tết, bị cáo nhận nhiều túi quà, mỗi lần từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng.
Rõ ràng, quà Tết ở đây đâu còn ý nghĩa trong sáng, thể hiện tình cảm cá nhân theo truyền thống văn hoá và đạo đức xã hội? Nếu là cành đào, cặp bánh chưng, con gà hay chậu cây cảnh thì có thể nói là tình cảm, nhưng vài trăm triệu đồng, sao có thể biện minh?
Cần phải thừa nhận, việc phát hiện hay kiểm tra tặng quà Tết trái quy định rất khó. Việc giám sát và xử lý không thể đem lại hiệu quả triệt để nên quan trọng nhất là phải ngăn chặn thông qua việc tuyên truyền, nêu gương của chính những người đứng đầu.
Có lẽ, phẩm chất và bản lĩnh của người đứng đầu, người có chức vụ quyền hạn là yếu tố tiên quyết. Một khi họ nghiêm khắc, kiên quyết không nhận thì không cấp dưới nào, không một cá nhân muốn vụ lợi nào dám tặng. Nói cách khác, ý thức tự giác của cán bộ là điều quyết định.
Tuy nhiên cũng cần nhắc lại, không nên nhầm lẫn giữa chuyện biếu, tặng quà Tết giá trị lớn nhằm mục đích hối lộ trá hình với việc tặng quà, chúc Tết vì tình cảm trong sáng; không nên cực đoan đến mức nghĩ rằng dù Tết đến thì không cần chúc gì nhau.
Việc tặng nhau món quà nhỏ dịp đầu xuân năm mới là phong tục tốt đẹp, không có gì cần e ngại. Có điều, làm thế nào để phong tục này không bị biến tướng, lợi dụng mới là điều cần thiết.
Nói cách khác, tặng quà Tết không xấu nhưng nếu việc tặng quà đi liền với động cơ, mục đích không trong sáng thì đó là hành vi tiêu cực, cần lên án và ngăn chặn.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/qua-tet-ai-tang-tang-ai-192250116223646276.htm