Nhìn lại công tác chuyển đổi số của TPHCM trong năm 2023, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng tóm gọn bằng 2 tin vui: Thành phố xếp thứ 2/63 tỉnh thành về Chỉ số Chuyển đổi số quốc gia; UBND TPHCM được Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á – châu Đại Dương (ASOCIO) tặng giải thưởng ASOCIO 2023 cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc…
Đó là sự công nhận đối với những nỗ lực chuyển đổi số của thành phố và không ai khác, chính người dân TPHCM đang được thụ hưởng quả ngọt chuyển đổi số.
1. Cần Giấy chứng nhận độc thân để bán chiếc xe máy, anh Phạm Hồng Vinh (ngụ phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) đã theo hướng dẫn điền các mẫu có sẵn trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến và chọn điểm giải quyết thủ tục hành chính là phường Bến Nghé. Chưa đầy 5 phút, anh đã nhận được e-mail thông báo hồ sơ đã được tiếp nhận và chỉ mất 2 ngày chờ, anh đã được cấp giấy xác nhận độc thân như yêu cầu.
“Cái hay của phương thức này là tôi biết được hồ sơ của mình đã được giải quyết ở từng công đoạn qua tin nhắn từ hệ thống của phường. Ngay trước khi được trả kết quả chính thức, tôi còn được xem bản xác nhận độc thân dưới dạng file PDF có đóng dấu đỏ và nếu muốn nhận bản giấy, chỉ cần đóng thêm 3.000 đồng”, anh Phạm Hồng Vinh chia sẻ và rất tâm đắc khi chính quyền khuyến khích người dân làm thủ tục trực tuyến. Các giao tiếp cũng trực tuyến, cho thấy được tinh thần của chuyển đổi số chứ không chỉ là ứng dụng công nghệ cơ bản như trước.
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận độc thân chỉ là một trong số rất nhiều thủ tục hành chính đã được trực tuyến hóa ngay khi chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số triển khai rộng khắp ở TPHCM. Các thủ tục hành chính được liên thông đến tận phường xã, thị trấn nhờ Cổng Dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Để tạo được giá trị này, những năm qua TPHCM đã xây dựng không ít chương trình chuyển đổi số và đưa vào vận hành nhiều nền tảng số phục vụ người dân, doanh nghiệp và cả công tác điều hành của chính quyền thành phố. Có thể kể đến: Hệ thống Quản trị thực thi của thành phố trên các nền tảng số; Hệ thống Bản đồ số TPHCM; Hệ thống Tiếp nhận trả lời và xử lý phản ánh, kiến nghị người dân qua tổng đài 1022; Hệ thống Đánh giá Chỉ số Chuyển đổi số TPHCM (HCM DTI)… Đây có thể xem là một phần trong vóc dáng chuyển đổi số hiện nay của TPHCM.
2. Với một đại đô thị có quy mô dân số khoảng 13 triệu dân như TPHCM, hàng ngày có đủ thứ chuyện đô thị phát sinh, nếu gặp sự cố hoặc muốn phản ánh từng vụ việc bức xúc, người dân sẽ “kêu” ở đâu? Để tiếp nhận nhanh thông tin do người dân và doanh nghiệp phản ánh, thành phố đã lập Cổng thông tin 1022. Đây là nền tảng tương tác, kênh giao tiếp chính giữa người dân và chính quyền với 5 kênh tiếp nhận và 15 lĩnh vực phản ánh. Nội dung thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp và tổ chức được chuyển ngay đến các đơn vị xử lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ quản lý. “Tôi thích Hệ thống 1022 vì các quy định việc tiếp nhận, phân loại, chuyển xử lý và phản hồi kết quả rất cụ thể, rõ ràng, thống nhất. Hơn nữa việc tiếp nhận thông tin cũng đơn giản, thuận tiện và nhanh chóng qua nhiều hình thức như điện thoại, tin nhắn hay các nền tảng mạng xã hội…”, chị Hải Ninh (quận 6) nhận xét.
Là người di chuyển nhiều, anh Thanh Lâm (ngụ quận Gò Vấp) chấm điểm cao đối với Hệ thống Bản đồ số TPHCM. Bản đồ hội tụ những tiện ích thấy rõ cho người dân khi di chuyển trong nội thành. “Bản đồ số cung cấp thông tin giao thông theo thời gian thực, giúp tôi nắm bắt được diễn biến môi trường xung quanh, xác định vị trí của mình. Nhờ đó, tôi tránh điểm giao thông tắc nghẽn và điều chỉnh lịch trình di chuyển”, người thường xuyên sử dụng bản đồ số chia sẻ về “bạn đồng hành”. Theo anh Lâm, Bản đồ số TPHCM rất tiện lợi khi cung cấp thêm nền tảng là ứng dụng trên điện thoại di động, cho phép thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn và hình thức khác nhau, gồm chụp ảnh, ghi âm, ghi chú văn bản hoặc nhập số liệu từ hiện trường… Đó là điều làm anh thích thú khi dùng so với các ứng dụng khác.
Được phục vụ, có được sự hài lòng của chị Hải Ninh, anh Thanh Lâm và nhiều người dân khác, chính là mục đích của chuyển đổi số tại TPHCM. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, thành phố có trách nhiệm thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, đảm bảo việc ứng dụng công nghệ của thành phố phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau. Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, nhất là quyết tâm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Trong chuyển đổi số, TPHCM xác định dữ liệu làm nền tảng để phục vụ chuyển đổi số. Nên từ năm 2018, kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố đã xác định khai thác dữ liệu là một nhiệm vụ trọng tâm và Kho dữ liệu dùng chung là giải pháp thực hiện xuyên suốt trong lộ trình rút ngắn khoảng cách giữa hiện trạng và kiến trúc mục tiêu đến năm 2025. Thành phố đã tập trung vào 3 nhóm dữ liệu chính: Nhóm dữ liệu về người dân: dữ liệu hành chính, hộ tịch, y tế, giáo dục, an sinh; Nhóm dữ liệu tài chính – doanh nghiệp: dữ liệu tổng hợp và thống kê thu chi ngân sách, quản lý đầu tư công, doanh nghiệp – hộ kinh doanh cá thể; Nhóm dữ liệu về đất đai – đô thị: dữ liệu đất đai, dữ liệu nền thông tin địa lý, dữ liệu ngành xây dựng, giao thông, quy hoạch – kiến trúc. Đến nay, các dữ liệu đã được khai thác và ứng dụng vào các nền tảng số của TPHCM.
BÁ TÂN