“Tôi muốn các bạn chú ý đến thực tế là với sự hỗ trợ của Tổng thống Tayyip Erdogan, như các bạn đã biết, một loạt cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đã diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ để tìm ra các biện pháp xây dựng lòng tin và soạn thảo văn bản của thỏa thuận”, ông Putin phát biểu trước khi công bố bản thỏa thuận trước phái đoàn châu Phi.
“Chúng tôi đã không thảo luận với phía Ukraine rằng hiệp ước này sẽ được giữ bí mật, nhưng chúng tôi chưa bao giờ trình bày cũng như không bình luận về nó. Dự thảo thỏa thuận này được ký tắt bởi người đứng đầu. Ông ấy đã ký vào đó. Nó đây”, ông Putin nói và đưa ra bản dự thảo thỏa thuận.
Tổng thống Putin cũng cho biết trong cuộc hội đàm rằng Nga cam kết hợp tác và hỗ trợ châu Phi. Ông cho biết phương Tây, chứ không phải Nga, phải chịu trách nhiệm về việc giá lương thực toàn cầu tăng mạnh vào đầu năm ngoái, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến châu Phi.
Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng thỏa thuận giúp xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng Biển Đen mà Nga đã ký kết không giúp ích gì cho việc giảm bớt khó khăn của châu Phi vì phần lớn chúng đã được chuyển đến các nước giàu có.
Và ông cho biết Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán với phía Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần nói rằng bất kỳ kế hoạch hòa bình nào cũng phải phù hợp với “thực tế mới”, tức công nhận việc Moscow sáp nhập 5 khu vực của Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cho biết hôm thứ Bảy sau cuộc gặp của Tổng thống Putin với phái bộ hòa bình châu Phi rằng các nước châu Phi ủng hộ sự không thể chia cắt của an ninh toàn cầu và Nga ủng hộ lập trường nguyên tắc này.
“Trước hết, các nhà lãnh đạo châu Phi nhấn mạnh kế hoạch hòa bình 12 điểm của Trung Quốc, đã được trình bày cách đây vài tháng…, rằng tất cả các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc về tính toàn vẹn lãnh thổ cần được đảm bảo…, rằng an ninh là không thể chia cắt trên một quy mô toàn cầu. Đó là những thái độ về nguyên tắc mà chúng tôi chia sẻ”, ông nói.
Ông Lavrov cũng chỉ ra rằng các nước châu Phi đã thể hiện sự hiểu biết về nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine, “được tạo ra bởi những nỗ lực của phương Tây”. Ngoại trưởng Lavrov cho biết thêm rằng phái đoàn châu Phi không mang đến cho nhà lãnh đạo Nga bất kỳ thông điệp nào từ Tổng thống Volodymyr Zelenskyy.
Người phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cũng cho biết rằng ông Putin đã thể hiện sự quan tâm đến kế hoạch mà Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nêu ra trong bài thuyết trình của mình và Nga sẽ tiếp tục đối thoại với các nước châu Phi.
Phái bộ hòa bình châu Phi gồm Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Comoros Azali Assoumani, Tổng thống Senegal Macky Sall, Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema, cũng như Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly và một số nhà ngoại giao hàng đầu của Cộng hòa Congo và Uganda.
Trước đó, vào ngày 16 tháng 6, phái đoàn đã đến thăm Kiev, nơi họ đã hội đàm với Tổng thống Zelenskyy. Vào ngày 17 tháng 6, phái đoàn châu Phi đã tổ chức một cuộc họp với ông Putin tại St. Petersburg, nơi họ trình bày sáng kiến hòa bình của mình.
Huy Hoàng (theo TASS, RIA Novosti, Reuters)