Mới đây, Mỹ đưa đề xuất cho phép tịch thu số tài sản trị giá khoảng 300 tỷ USD của Ngân hàng trung ương Nga đã bị đóng băng ở phương Tây và chuyển cho Ukraine.
Khoảng 300 tỷ USD tài sản Nga đang bị phong tỏa ở phương Tây. Ảnh minh họa. (Nguồn: CNN) |
Mỹ mạnh tay, Nga dọa “trả đũa”
Đài CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ: “Nhà Trắng và chính phủ Mỹ tin rằng, Nga sẽ phải gánh chịu trách nhiệm bồi thường cho tất cả những thiệt hại mà họ đã gây ra ở Ukraine”.
Tuy nhiên, các quan chức này cho biết, động thái hiếm hoi này sẽ cần có sự tham gia từ các đồng minh của Mỹ trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).
Các quan chức giải thích, phần lớn tài sản của ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng đều do các nước thuộc EU nắm giữ.
Đề xuất của phía Mỹ sẽ yêu cầu Quốc hội thông qua dự luật được đưa ra vào năm ngoái – được gọi là Đạo luật REPO – cho phép Tổng thống có thẩm quyền tiến hành tịch thu tài sản của Nga ở đất nước.
Các quan chức cấp cao của Tổng thống Biden đã làm việc với các đồng minh G7 và phía EU để tinh chỉnh đề xuất. Đề xuất tiếp tục được tăng cường thảo luận trước ngày 22/2 – đánh dấu tròn 2 năm xung đột Nga-Ukraine.
Một quan chức Mỹ tiết lộ, đề xuất đã được thảo luận giữa các lãnh đạo cấp cao tại các cuộc họp của G7 vào tháng 11 và tháng 12 và dự kiến xem xét lại tại cuộc họp G7 tiếp theo vào cuối tháng 2.
Chia sẻ về đề xuất, một quan chức châu Âu nói rằng, EU có nhiều thứ để mất hơn bởi không giống như Mỹ, khối 27 thành viên nắm giữ phần lớn tài sản của Nga. Việc tịch thu khối tài sản dự trữ của Moscow khiến các quốc gia khác thấy rằng, tài sản có chủ quyền nắm giữ bằng tiền tệ phương Tây có thể không an toàn.
Để trấn an các đồng minh, Mỹ tuyên bố, việc tịch thu tài sản sẽ được thực hiện dựa trên một cơ sở pháp lý rất cụ thể và không có nguy cơ gây hoảng sợ cho các tổ chức tài chính có tài sản được nắm giữ ở nước ngoài.
Trước sự quyết tâm của Washington, Moscow đang chuẩn bị chống lại bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ hoặc châu Âu nhằm tịch thu tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bị đóng băng để hỗ trợ Ukraine.
Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ, phía Nga đã thuê các công ty luật quốc tế và ủy quyền cho các chuyên gia quan sát để bảo vệ lợi ích của mình trước tòa.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina gọi khả năng đóng băng tài sản là “một tín hiệu rất tiêu cực đối với tất cả các ngân hàng trung ương”.
Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov lên tiếng tố cáo việc đóng băng tài sản Nga là vi phạm các nguyên tắc cơ bản về an ninh dự trữ.
“Không có căn cứ chính đáng nào để tịch thu tài sản và vụ kiện tụng có thể kéo dài hàng thập niên. Nga đã lên sẵn danh sách các tài sản của phương Tây có thể tịch thu nếu G7 quyết định tịch thu 300 tỷ USD tài sản đóng băng của Nga”, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh.
EU “lăn tăn” điều gì?
Ở thời điểm hiện tại, giới chuyên gia nhận thấy, các nước phương Tây tỏ ra quyết tâm vượt qua những trở ngại để cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine, thì việc tịch thu tài sản của Nga có thể là một “liều thuốc đắng”.
Suốt gần hai năm qua, nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra về việc phải làm gì với số tiền 300 tỷ USD bị đóng băng của Nga. Các nước G7 đồng ý rằng, số tiền này không thể quay trở lại Nga cho đến khi Moscow đưa ra các khoản bồi thường cho Ukraine.
Như vậy, số tiền sẽ bị đóng băng cho đến khi chiến dịch quân sự đặc biệt kết thúc, tương tự hầu hết các cuộc xung đột trước nay.
Tuy nhiên, phía Ukraine đang yêu cầu chuyển số tiền bị đóng băng này ngay bây giờ để nước này có thể hỗ trợ nền kinh tế.
Các chuyên gia nhận định, Washington dường như đứng về phía Kiev, nhưng thực tế là hầu như không có tài sản nào của Nga được giữ trên đất Mỹ.
Trong khi đó, những người ủng hộ tích cực nhất cho đề xuất tịch thu lại là các quốc gia không có nhiều tài sản của Nga như: Anh, các nước vùng Baltic và các quốc gia Trung Âu.
Bỉ, Pháp, Đức tỏ ra thận trọng hơn. Họ lo ngại về xu hướng các nhà đầu tư sẽ rút tài sản khỏi châu Âu và các biện pháp trả đũa từ Moscow.
Bỉ – quốc gia đã bắt đầu nhiệm kỳ 6 tháng Chủ tịch Hội đồng châu Âu vào đầu năm nay – cũng lo ngại về sự suy yếu vị thế của đồng Euro trên thị trường tài chính.
Giới chuyên gia dự đoán, nhiều khả năng Mỹ cố gắng thông qua một biện pháp thỏa hiệp, chẳng hạn như đánh thuế 100% thu nhập từ khoản tiền 300 tỷ USD bị phong tỏa.
Cuộc thảo luận căng thẳng nhất về vấn đề này dự kiến diễn ra vào tháng 2 tới, khi lãnh đạo các nước trong EU và G7 gặp nhau để tìm cách hỗ trợ Ukraine.
Sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh đã cấm các giao dịch với Ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính Nga, phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản ở phương Tây. Hầu hết các tài sản này là trái phiếu và tiền gửi bằng Euro, USD, Bảng Anh. |