Lương, thưởng thỏa đáng là động lực tăng năng suất lao động
Tham luận tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức ngày 26/5, TS Phạm Thu Lan, Viện Công nhân-Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng: chế độ lương, thưởng, phúc lợi thỏa đáng là động lực quan trọng thúc đẩy nâng cao năng suất lao động.
TS Phạm Thu Lan cho biết, mọi người lao động (NLĐ) đi làm đều quan tâm tới tiền lương, nhất là người có thu nhập thấp. Thực tế đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ và tỷ lệ thuận giữa tiền lương, thưởng và phúc lợi với động lực làm việc, sự hài lòng, toàn tâm trong công việc.
“Người lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ nhảy việc cao, 8-12%/tháng ở các ngành đông lao động” – TS. Phạm Thu Lan nói.
Theo đó, trong quan hệ kinh tế, nhảy việc để tìm kiếm công việc phù hợp với kỹ năng, trình độ và phát huy tối ưu năng lực của bản thân là việc bình thường nhưng, nhảy việc chỉ thuần túy để tìm kiếm mức lương cao hơn cho một công việc tương tự lại là sự lãng phí không đáng có.
TS Phạm Thu Lan phân tích, một doanh nghiệp có 1.000 công nhân nhưng 1 tháng 100 công nhân liên tục ra vào, doanh nghiệp này sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và nhân lực cho quảng cáo tuyển dụng, tổ chức phỏng vấn, làm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ và đào tạo nhân viên… Trong khi những chi phí này hoàn toàn có thể tiết kiệm để đầu tư cho tăng năng suất.
Theo TS Phạm Thu Lan, Chính phủ rất nỗ lực cải thiện tiền lương, đời sống, việc làm và thu nhập thông qua nhiều chính sách và biện pháp toàn diện trong gần 40 năm đổi mới và đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Tuy nhiên, để tăng năng suất giai đoạn tới đòi hỏi sự chuyển đổi mô hình, chuyển đổi nền kinh tế đi liền với chuyển đổi về việc làm, lực lượng lao động và kỹ năng. Để thực hiện thành công sự chuyển đổi đồng bộ này, chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Để góp phần tăng năng suất từ yếu tố lao động, Phạm Thu Lan cho rằng cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng. Mức lương tối thiểu thỏa đáng không chỉ bảo đảm trang trải chi phí cơ bản cần thiết cho NLĐ và gia đình mà còn cần một khoản dự phòng cho sự việc bất khả kháng và tiết kiệm cho tương lai.
“Tổ chức Công đoàn mong muốn Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương Quốc gia trong thời gian tới nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, tư vấn cho Chính phủ để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất” – TS Phạm Thu Lan đề xuất.
Cùng với đó là tăng độ bao phủ BHXH; thúc đẩy bình đẳng giới về thu nhập giữa nam và nữ cho cùng một công việc có giá trị như nhau; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội đi kèm với cơ sở hạ tầng về trường học, bệnh viện và các tiện tích cơ bản khác để NLĐ thu nhập thấp đạt được ước mơ sở hữu căn nhà riêng của mình; thu hút nhà đầu tư nước ngoài có trách nhiệm, lựa chọn nhà đầu tư tiên tiến, chất lượng, có tính tuân thủ pháp luật cao để đóng góp nâng cao năng suất lao động quốc gia…
Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch công đoàn cơ sở công ty Changshin Việt Nam Đặng Tuấn Tú cho rằng, chỉ khi NLĐ được chăm lo, động viên kịp thời cả về vật chất và tinh thần thì họ mới yên tâm làm việc, hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động.
Cùng với đó, quyền lợi của NLĐ được bảo vệ tốt thông qua thực hiện tốt việc giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm túc các chính sách pháp luật, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, tiền lương, phúc lợi, điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động.
Đầu tư hơn nữa để tổ chức các hội thi thợ giỏi
Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng chia sẻ kinh nghiệm tổ chức phong trào thi tay nghề, thi thợ giỏi, ôn lý thuyết, luyện tay nghề trong công nhân lao động đẻ góp phần nâng cao năng suất lao động.
Theo đó, phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” trong CNLĐ Thủ đô đã khẳng định thi đua là động lực hết sức quan trọng để khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, ý thức trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao – đặc biệt là tăng năng suất lao động; giảm hàng lỗi, hàng hỏng, cải tiến mẫu mã, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh. Đây cũng là cơ hội để công đoàn khẳng định sự sáng tạo đổi mới về nội dung, phương thức trong hoạt động, nhận được sự ủng hộ của người sử dụng lao động và sự hưởng ứng của người lao động.
Để phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” trong CNLĐ mang lại hiệu quả thiết thực và có sức lan toả rộng lớn hơn nữa, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp và Chế xuất cho rằng cần duy trì và mở rộng Hội thi thợ giỏi ở các tỉnh, thành phố nơi có đông CNLĐ với sự tham gia của chính quyền và người sử dụng lao động. Đồng thời, các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư hơn nữa về thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí để tổ chức các hội thi thợ giỏi nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/phuc-loi-thoa-dang-dong-luc-quan-trong-thuc-day-nang-cao-nang-suat-lao-dong.html