Ngay sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sẽ làm thủ tục nhập học. Đây cũng là thời điểm các gia đình phải đối mặt với các khoản chi khi đa số trường đều tăng học phí, chưa kể chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ.
Học phí gần trăm triệu đồng/năm
Trường ĐH Kinh tế quốc dân vừa thông báo tuyển sinh chương trình tiên tiến và chất lượng cao với chỉ tiêu hơn 2.000 trong tổng số gần 7.000 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 của đơn vị này. Đáng lưu ý là mức học phí chương trình tiên tiến lên tới 6,5 triệu đồng/tháng tức là 65 triệu đồng/năm học. Với chương trình chất lượng cao, mức học phí là 4,7 triệu đồng/tháng.
Theo lãnh đạo trường ĐH Kinh tế quốc dân, mức học phí này tăng khoảng 3,5% so với năm trước. Nếu tính ra với 4 năm học, mỗi sinh viên học theo các chương trình này sẽ phải đóng khoảng 200 triệu-260 triệu đồng/khóa, chưa kể các chi phí khác trong quá trình học tập như tiền giáo trình, thi cử, thực tập…
Đây mới chỉ là mức học phí cho năm đầu tiên khi trường này thông báo các năm học sau, học phí có thể tăng trong mức không quá 10%. Đây quả thực là mức chi phí không nhỏ đối với nhiều gia đình. Với chương trình chuẩn, học phí trường này tăng từ 1 triệu đến 2 triệu đồng so với năm học trước.
Mức học phí mà Học viện Ngân hàng áp dụng với sinh viên khoá mới ở chương trình đào tạo chuẩn là từ 25 triệu đến 26,5 triệu đồng/năm, tăng hơn 10 triệu đồng so với năm ngoái. Theo công bố của Học viện Ngân hàng, mức học phí khối ngành Kinh doanh quản lý và pháp luật là 25 triệu đồng/năm học (năm ngoái là 14,1 triệu đồng/năm học).
Với khối ngành Công nghệ thông tin, trường đưa ra mức học phí 26,5 triệu đồng/năm học (năm ngoái là 16,4 triệu đồng). Còn khối ngành Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, học phí là 26 triệu đồng/năm học (năm ngoái 15 triệu đồng).
Mức 37 triệu đồng/năm học áp dụng với các chương trình chất lượng cao. Với chương trình liên kết quốc tế, học phí dao động 340-380 triệu đồng cho cả khóa 4 năm, có thể cao hơn nếu sinh viên chọn học năm cuối ở trường liên kết.
So với việc cấp học bổng thì việc cho vay sẽ tác động tốt hơn với quá trình phấn đấu, rèn luyện của sinh viên khi các em có ý thức phải hoàn lại số tiền được vay. Tuy nhiên, với nhu cầu vay vốn cao hiện nay, các trường vẫn cần kết hợp với doanh nghiệp mở rộng nguồn vốn để nhiều sinh viên được tiếp cận hơn với khoản vay, hỗ trợ phần nào cho các gia đình có con học đại học”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn
Học phí trường ĐH Ngoại thương chia theo từng chương trình đào tạo. Với chương trình tiêu chuẩn năm học 2024 – 2025, dự kiến mức học phí từ 22 triệu đến 25 triệu đồng/năm. Với chương trình chất lượng cao, mức thu học phí dự kiến từ 45 triệu đến 48 triệu đồng/năm;
chương trình tiên tiến, học phí dự kiến từ 68 triệu đến 70 triệu đồng/năm; chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế, học phí khoảng 48 triệu đồng/năm (nhóm A) và từ 60 triệu đến 65 triệu đồng/năm (nhóm B).
Khối các trường y dược cũng có mức học phí khá cao khi năm học này, ngành Răng – Hàm – Mặt trường ĐH Y Dược TPHCM có mức thu cao nhất lên đến 84,7 triệu đồng/năm học/sinh viên; ngành Y khoa là 82,2 triệu đồng/năm học/sinh viên…
Học phí trường ĐH Y Hà Nội năm học 2024 – 2025 ngành Y học Cổ truyền, Răng – Hàm – Mặt, Y khoa học phí cao nhất 55,2 triệu đồng/năm học/sinh viên; một số ngành khác có học phí là 41,8 triệu đồng/năm học/sinh viên.
Vay vốn tín dụng có đủ chi phí học tập?
Theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, mỗi học sinh, sinh viên được vay vốn học tập tối đa 40 triệu đồng/năm học 10 tháng, tương đương 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chương trình này áp dụng cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật và hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.
Với những sinh viên thuộc diện này, các em được vay vốn trong suốt quá trình học tập nhưng với mức tăng học phí hiện nay, chưa kể sinh hoạt phí, thì số tiền 4 triệu đồng/tháng khó có thể đảm bảo đủ chi trả cho các em. Đây là “bài toán” khó đối với nhiều gia đình khi cho con học đại học ở thành phố lớn.
Chị Nguyễn Thanh Hà, có con đỗ trường ĐH Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm nay cho biết, mặc dù con chưa làm thủ tục nhập học nhưng gia đình đã phải đóng tiền trọ cả năm học tại ký túc xá của trường ở Hòa Lạc. Vì nếu không nhanh chân, đợi tới khi tất cả sinh viên nhập học thì chắc sẽ không có chỗ ở ký túc xá với mức giá 950.000 đồng/tháng.
“So với tiền thuê nhà trọ, đây là mức giá khá ưu ái rồi. Nếu không được vào ký túc xá, các con sẽ phải thuê trọ nhà dân xung quanh trường với mức 2-3 triệu đồng/tháng. Tính cả tiền ăn tại căng-tin nhà trường, tiền học, tiền thuê trọ, mỗi tháng gia đình tôi sẽ phải chi cho con khoảng 10 triệu đồng, chưa kể tiền phát sinh”, chị Hà cho biết.
Với khoản chi 10 triệu đồng/tháng/sinh viên, nhiều gia đình ở nông thôn sẽ khó có thể lo cho con ăn học ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh. Để giải quyết vấn đề này, một số trường đã đưa ra chính sách cho sinh viên vay tín dụng lãi suất 0% với mức cho vay bằng tiền học phí.
ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng chính sách sinh viên được vay số tiền tối đa bằng với học phí học kỳ 1 năm học này nhưng không vượt quá 20 triệu đồng/học kỳ. Thời gian vay được tính từ ngày sinh viên nhận số tiền vay đầu tiên cho đến ngày trả hết nợ gốc và lãi nếu có.
Sinh viên phải trả nợ gốc lần đầu tiên ngay sau khi có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học (kể cả trường hợp chưa có việc làm ổn định).
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/tan-sinh-vien-chuan-bi-nhap-hoc-phu-huynh-dau-dau-noi-lo-tang-hoc-phi-sinh-hoat-phi-20240827161403634.htm