Hồi đầu năm nay, một phóng sự truyền hình được viết bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã được phát sóng trên kênh HTV9 thuộc Đài truyền hình TP.HCM.
Trong phóng sự truyền hình này, nhóm sản xuất đã sử dụng AI để hỗ trợ cho việc viết kịch bản. Kết quả do AI trả về đã mang tới một bộ khung chương trình, với nội dung được viết sẵn cho mỗi phần trong kịch bản. AI cũng đóng vai trò đề xuất các chuyên gia cần phỏng vấn thêm cho phóng sự. Sau khi được phát sóng, đây được xem là phóng sự đầu tiên do AI viết tại Việt Nam.
Theo nhà báo Ngô Trần Thịnh, Trưởng Bộ phận Nội dung Tin tức số Đài Truyền hình TPHCM (HTV), sau phóng sự đầu tiên được viết bằng AI, hiện đơn vị này vẫn sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình sản xuất, biên tập sản phẩm hàng ngày.
“Chúng tôi cho AI họp chung với mình. Khi cho ra đời một chương trình mới, thay vì tự ngồi nghĩ từng cái tên, chúng tôi hỏi ChatGPT và được gợi ý ngay 100 cái tên để tham khảo, từ đó rút ngắn thời gian và có thêm nhiều phương án lựa chọn”, ông Thịnh cho hay.
Tại Trung tâm tin tức số HTV, không chỉ người trẻ mà đội ngũ phóng viên, nhà báo lớn tuổi vẫn đang sử dụng ChatGPT để tham khảo, lên khung sườn cho các tuyến bài. Sở dĩ mọi người đều dùng AI trong công việc bởi đã có một sự thay đổi căn bản về nhận thức.
“Trong quá trình làm việc, từ góc nhìn hoài nghi “Bài này có dùng AI không?”, chúng tôi giờ đây chuyển sang một một câu hỏi khác “Bài này đã dùng AI chưa?”. Cơ bản góc nhìn này có tác động tích cực. Kết quả là phóng viên tốn ít hơn 20-25% thời gian để sản xuất tin bài, tòa soạn cũng sẽ có nhiều sản phẩm hơn trong 1 ngày công”, Trưởng Bộ phận Nội dung Tin tức số HTV chia sẻ.
Để sử dụng AI hiệu quả, cần phải biết hỏi đúng câu, xài đúng cách. Phần lớn các bạn sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm này. Chính vì vậy, Trung tâm tin tức số HTV đã tổ chức các buổi đào tạo sử dụng AI để hỗ trợ các nhân sự mới.
Nhờ sự trợ giúp của AI, các nhà báo, phóng viên có thể xử lý một khối lượng công việc lớn hơn so với trước. Không chỉ vậy, nhiều nhà báo lớn tuổi tại HTV còn có thể tạo ra những clip TikTok triệu view với người xem chủ yếu là giới trẻ. Bí quyết của họ là hỏi ChatGPT để có cách tiếp cận vấn đề theo góc nhìn của thế hệ GenZ.
Theo ông Ngô Trần Thịnh, trong tòa soạn số ngày nay, các nhà báo, phóng viên cũng phải trở thành những nhà báo thế hệ mới. Việc nắm vững kỹ năng sử dụng AI chính là lời giải cho bài toán làm sao để tạo ra nguồn nhân lực thế hệ mới cho tương lai.