Thông tin được đưa ra tại Hội thảo tổng kết Dự án “Giảm thiểu rủi ro sức khỏe phát sinh từ thương mại động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Ban thư ký đối tác Một sức khỏe) phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức ngày 19/12, tại Hà Nội.
Theo Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, cả nước hiện có trên 8.000 cơ sở gây nuôi ĐVHD với tổng số lượng ít nhất 2,5 triệu cá thể, thuộc 300 loài khác nhau. Bất chấp đại dịch COVID-19 và việc phát hiện sáu loại coronavirus đã biết ở ĐVHD nuôi nhốt tại Việt Nam, hoạt động gây nuôi ĐVHD vẫn phổ biến mà không có các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình theo dõi sức khỏe cụ thể. Đồng thời, nạn săn trộm và tiêu thụ bất hợp pháp các loài ĐVHD với nguy cơ lây lan dịch bệnh cao vẫn tiếp tục trên khắp đất nước.
Trong thời gian từ tháng 6/2021 – 12/2023, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Ban Thư ký Đối tác Một Sức khỏe Việt Nam đã triển khai Dự án “Giảm thiểu rủi ro sức khỏe phát sinh từ thương mại động vật hoang dã”. Qua nghiên cứu cơ sở thực tiễn và rà soát chính sách và, dự án đã đề xuất các chính sách nhằm tăng cường quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD để giảm thiểu rủi ro, ngăn ngừa phát sinh, lan truyền dịch bệnh từ ĐVHD sang người.
Theo ông Oemar Idoe, Trưởng Khối các dự án môi trường, khí hậu và nông nghiệp, GIZ Việt Nam, những cán bộ thường tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã có nguy cơ nhiễm các căn bệnh lây truyền từ động vật sang người, như nhân viên tại các trang trại ĐVHD và cơ quan kiểm định những trang trại này, đang phải đối mặt với rủi ro cao nhất. Việc cung cấp thông tin đầy đủ về các nguy cơ và biện pháp tự bảo vệ cho họ sẽ giúp ngăn ngừa tối đa bệnh dịch phát sinh trong cộng đồng.
Các nghiên cứu chỉ ra, mặc dù Việt Nam có một hệ thống pháp luật tương đối toàn diện quy định việc quản lý gây nuôi thương mại ĐVHD, việc thực thi các quy định pháp luật này cũng như sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng cần phải được củng cố hơn. Thêm vào đó, việc thực hiện các quy định pháp luật cần có hướng dẫn chi tiết hơn. Các biện pháp an toàn sinh học (ví dụ: sử dụng quần áo bảo hộ, cách ly cá thể mới, khử trùng chuồng trại…) và phúc lợi động vật cũng cần được kiểm tra và theo dõi thường xuyên.
Thực tế, việc nhiều trang trại không được kiểm soát và thiếu hệ thống đánh dấu, theo dõi vật nuôi trong các trang trại, dẫn đến nguy cơ đưa các cá thể động vật săn bắt trộm từ môi trường tự nhiên vào trang trại nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc để tiêu thụ ra thị trường chợ đen. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cần phải nâng cao nhận thức của các chủ trang trại gây nuôi ĐVHD và các bên liên quan về rủi ro sức khỏe lây truyền từ động vật sang người.
Theo hướng dẫn quốc tế, các biện pháp an ninh sinh học theo có thể được chia thành 7 nhóm: Quản lý trang trại; quản lý chất thải; quản lý thức ăn; thú y; quản lý động vật, vận chuyển; an toàn và năng lực của nhân viên trang trại.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia quốc tế đại diện cơ quan thú y, kiểm lâm của 19 tỉnh thành đã cùng thảo luận về các thách thức và nhu cầu hỗ trợ phòng chống lây lan bệnh lây truyền từ động vật sang người trong hoạt động gây nuôi ĐVHD tại địa phương; hỗ trợ các biện pháp an ninh sinh học trong hoạt động gây nuôi ĐVHD và tăng cường giám sát triển khai trong thời gian tới.