Phố Cầu Đất là phố trung tâm, ở vị trí quan trọng của thành phố Hải Phòng. Phố đã đổi chiều nhiều lần và cho đến hiện tại, phố xuôi chiều bắt đầu từ ngã tư Trại Lính, nơi giao nhau giữa đường Lạch Tray, Lê Lợi, Tô Hiệu kéo dài cho đến ngã tư Cầu Đất, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú. Phố Cầu Đất vốn thuộc xã Gia Viên và An Biên cũ, trước khi thành phố được giải phóng (năm 1955) thuộc khu Ga. Lúc mới mở, phố được đặt theo tên của viên Toàn quyền Đông Dương là Pôn Đume (Avenue Paul Doumer). Tuy vậy thì ngay lúc đó, nhân dân Hải Phòng đã gọi là phố Cầu Đất. Năm 1946, phố mang tên đại lộ Hồ Chí Minh. Năm 1954, phố đổi tên thành Trần Hưng Đạo. Năm 1963 gọi lại là Cầu Đất cho đến bây giờ.

Theo cuốn “Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng” ghi nhận, sở dĩ tên phố là Cầu Đất bởi vì trước đây, giữa hai làng An Biên và Gia Viên có con lạch nhỏ gọi là Liêm Khê, vốn là nhánh phụ của sông Tam Bạc đổ vào sông Cấm. Chính con lạch này là tiền thân của kênh đào Bonnal được đào vào năm 1885. Bắc qua lạch, ở khu vực quán hoa hiện nay có một chiếc cầu nhỏ bằng tre, trên mặt đắp đất nên dân ta gọi là Cầu Đất. Tên phố bắt nguồn từ đó. Về sau, Pháp thay thế cầu đất bằng cầu sắt, gọi là cầu Đume. Năm 1925, khi lấp kênh Bonnal, cầu sắt bị dỡ bỏ.

 Phố Cầu Đất nổi bật với hai hàng bằng lăng tím. Ảnh: VŨ LÂM

Tuy phố Cầu Đất chỉ dài khoảng 650m nhưng đây lại là tuyến phố rất sầm uất, mật độ dân cư đông đúc với nhiều mặt hàng nổi tiếng, người ta còn gọi đây là con phố của đồ về. Rất nhiều doanh nhân khởi nghiệp buôn bán vàng bạc đá quý từ mảnh đất này đã tạo dựng nên sự nghiệp, tên tuổi, tầm vóc trong giới. Đi dọc phố, những tiệm vàng san sát, lấp lánh hiện hữu gương mặt giàu có đặc trưng của đất cảng. Các chủ tiệm ở đây vô cùng hứng khởi khi giới thiệu sản phẩm chất lượng, thương hiệu uy tín mà họ sở hữu. Chị Nguyễn Lê Chân, một người con sinh ra và lớn lên ở khu phố cho biết, khi nói đến phố Cầu Đất xưa, không thể không nhắc đến nhà sách Mai Lĩnh, “chiếc nôi vàng” một thuở cho các tác giả, tác phẩm gửi gắm, vừa là hiệu sách, vừa là nhà xuất bản, đây chính là một cơ sở cách mạng. Chị không giấu được niềm xúc động khi nói về quá khứ hào hùng của Cầu Đất, mảnh đất từng hứng chịu nhiều đợt bom dội do nuôi dưỡng, bao bọc những người yêu nước trong lòng mình.

Dành thời gian đi bộ lãng đãng ở con phố Cầu Đất, tôi bị thu hút và hết sức ngỡ ngàng khi nghe được những câu chuyện lý thú ở mỗi cửa hàng, nguồn gốc hình thành nên thương hiệu hàng hóa hiện có. Người dân khu phố luôn ngập tràn niềm tự hào với những món ăn ngon thượng hạng làm nên dấu ấn đậm nét cho khu phố của mình, không chỉ người dân Hải Phòng mà du khách bốn phương cũng tìm về thưởng thức, chọn mua. Bạn bè của tôi từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh… khi bước chân đến phố cảng hay đề nghị được dẫn đi ăn bánh đa cua Bà Cụ. Tôi cũng không lạ với những lời đề nghị đó, bởi đây là địa chỉ được tín đồ “xê dịch” yêu thích, ghi nhận, lan truyền. Bánh đa cua Bà Cụ là một trong những quán bánh đa cua đầu tiên ở Hải Phòng, tính đến nay đã được hơn 50 năm. Bước vào quán, người ta cảm nhận ngay thấy hương vị đậm đà của biển, quyến rũ thị giác, khứu giác, sau khoảng thời gian háo hức đợi chờ, khi người phục vụ mang đồ ăn ra, khách sẽ thấy bắt mắt ngay bởi màu sắc bát bánh đa cua. Từng sợi bánh đa nâu đặc trưng dai ngon, hòa quyện nguyên liệu đậm vị ngọt thơm của tôm, cua biển, hành, tóp mỡ… Vì là quán ẩm thực uy tín nên lượng khách khá đông, nếu vào đúng lúc cao điểm có thể không còn chỗ ngồi.

Dưới hàng bằng lăng tím, tôi đã quá quen với hình ảnh các cô, chị đứng phấp phới, tươi cười mời chào khách qua đường mua bánh rán. Hồi mới biết phố Cầu Đất, khi sà vào hàng mua bánh rán, tôi tò mò hỏi, sao hàng bên kia với bên này đều ghi bánh rán Bà Lạng ạ? Cô bán hàng tươi cười đáp, cháu không biết đây là con phố bánh kẹo nổi tiếng, trong đó có bánh rán Bà Lạng à? Bánh rán Bà Lạng đã có thương hiệu từ rất lâu. Những người đang bán ở đây hầu hết có làm bánh đâu, mà bà Lạng cũng chẳng làm bánh nữa rồi, chỉ con cháu của bà làm thôi. Và mọi người lấy bánh để bán ở đó. Do hồi xưa, khu phố Cầu Đất toàn con em quan chức, thương nhân giàu có ở nên món ăn nào cũng phải thật ngon, đặc sắc, kể cả đồ ăn vặt, không thật ngon làm sao bán được cho những người vừa có nhiều tiền, vừa sành ăn, khó tính. 

Bà Lạng phải kỳ công nhào nặn, chế biến ra món bánh rán vỏ mỏng tang, thơm, giòn, nhân mịn. Bánh rán tay bà làm ra dễ ăn, không bị ngấy. Lúc đó, bà gói bánh rán bằng lá, còn giờ mọi người đóng hộp nhựa cho tiện. Hồi trước mà mua được bánh rán phố Cầu Đất làm quà là xa xỉ, sang trọng lắm. Thời nay, đời sống kinh tế phát triển, nhà hàng, đồ ăn ngon xuất hiện quá nhiều, nhưng khách bốn phương nếu đến Hải Phòng chơi, du lịch vẫn ghé mua bánh rán Bà Lạng thưởng thức. Ngoài ra, nói đến bánh phố Cầu Đất, nhất định phải nhắc đến bánh Trung thu. Bánh rán thì khách mua quanh năm, còn bánh Trung thu được mọi người mua nhiều vào gần dịp lễ này. Nếu lần đầu đứng ở phố Cầu Đất đúng những ngày tấp nập người xe đến mua, đặt bánh Trung thu thì chắc chắn bạn sẽ hết sức ngạc nhiên về sức hút kì lạ của hiệu bánh Đông Phương. Tôi cứ đứng ngẩn người khi trước mắt mình, cả đoàn người nối đuôi nhau dài từ cửa hàng bánh đến cuối con phố, bụi bặm kệ, ồn ã kệ, bận bịu mấy thì họ vẫn kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình chỉ để mua được túi bánh Trung thu Đông Phương. Cao điểm, có khi phải chờ đến nửa buổi. Vậy mà năm nào tôi cũng thấy tình trạng đông đúc, nhộn nhịp này lặp lại.

Phố Cầu Đất còn nhiều điều hay ho, thú vị nếu ai đó muốn tìm hiểu, lội ngược dòng phát triển của nó. Gương mặt phố đan xen cả những hào nhoáng thời đại cùng dấu ấn, giá trị văn hóa đẹp đẽ, ngành nghề gia truyền quý báu. Theo thời gian, con phố nhỏ có biết bao đổi thay, hàng bằng lăng tím vươn rộng mái phố cũng chỉ mấy năm gần đây. Luôn có sự bắt đầu, mới có sự tiếp nối. Có thể từ bây giờ, phố Cầu Đất lại có thêm nét đặc biệt khi mọi người nhớ đến và muốn gọi ra một cái tên đặc trưng. Tôi muốn đặt thêm tên cho phố Cầu Đất là phố tím bằng lăng. Hình như, chính chiếc ô tím ngắt ấy làm cho phố trọn vẹn, đẹp đẽ hơn. Ở thành phố Hoa phượng đỏ mà người ta không chọn hoa phượng, lại chọn bằng lăng tím trồng đồng loạt ở Cầu Đất. Theo quan điểm cá nhân tôi, lựa chọn này hoàn toàn phù hợp. Màu tím yêu kiều phù hợp với khu phố của nhiều hoài niệm. Một loài hoa vừa sắc đậm, vừa nền nã, duyên dáng, sâu sắc như chính con phố nó đang bám rễ, nương nhờ để vươn lên mỗi ngày. Hoa vương mắt tím gợi cho người biết bao nỗi nhớ, biết bao câu chuyện, biết bao hành trình phát triển, hoàn thiện, làm nên giá trị của cuộc sống…

Ghi chép của TRẦN NGỌC MỸ