Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, T.Ư Đảng đã thông qua kế hoạch cải cách tiền lương từ 1.7.2024, song cải cách tiền lương không chỉ là tăng lương, tăng thu nhập mà gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.
Sáng 16.10, tiếp tục phiên họp 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kinh tế – xã hội năm 2023, kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa kỳ về tình hình thực hiện kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của Chính phủ.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo kế hoạch được T.Ư thông qua và Quốc hội, Chính phủ cũng đã có kế hoạch, thì từ 1.7.2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương. Đây cũng là bước đầu tiên thực hiện Nghị quyết 27 của T.Ư Đảng khóa XII về cải cách tiền lương.
Theo ông Định, tiền lương đã được điều chỉnh nhiều lần, song điều chỉnh lần này mang tính cải cách. “Không chỉ là điều chỉnh lương, không chỉ là tăng lương, tăng thu nhập mà theo Nghị quyết 27 của T.Ư Đảng cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức”, ông Định nhấn mạnh.
Từ đó, ông Định cho rằng, cùng với thực hiện cải cách tiền lương, cần gắn với rà soát vị trí việc làm và gắn với tăng cường trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương của cán bộ công chức, tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức.
“Những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh… là phải có biện pháp xử lý. Thậm chí, với người vi phạm, yếu năng lực phải đưa ra khỏi bộ máy. Cái này cũng phải làm cả hai mặt chứ không chỉ có cải cách tiền lương”, ông Định nêu.
Cũng liên quan tới cải cách tiền lương, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đồng tình thực hiện cơ cấu cải cách tiền lương theo lộ trình. Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị việc cải cách tiền lương phải đảm bảo thu nhập cho cán bộ cơ sở, làm sao cán bộ cơ sở thu nhập tương xứng với nhiệm vụ.
“Tránh có nơi thu nhập cao hơn, chỗ thu nhập thấp hơn nhưng nhiệm vụ thực hiện như nhau”, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nói.
Việc thực hiện cải cách tiền lương được thực hiện theo Nghị quyết 27 của T.Ư Đảng khóa XII. Theo đó, việc thực hiện chế độ cải cách tiền lương thực hiện từ năm 2021 với chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Đồng thời, định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách.
Phát biểu với cử tri TP.Hải Phòng trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến sau cải cách tiền lương năm 2024, mỗi năm tiền lương sẽ tăng 5 – 7% theo mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng.
Nghị quyết 27 yêu cầu thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Ngoài ra, bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Nghị quyết 27 cũng yêu cầu bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Thay vào đó, sẽ xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tới nay, cả nước đã tích lũy được hơn 500.000 tỉ đồng để chuẩn bị cho cải cách tiền lương giai đoạn 2024 – 2026.
Thanhnien.vn