Món ăn này không chỉ thu hút những người ăn chay truyền thống mà còn chinh phục cả những thực khách sành ăn đang tìm kiếm trải nghiệm mới mẻ và lành mạnh hơn.
Xu hướng tiêu dùng mới
Sự phổ biến của phở chay được thể hiện rõ nét trên các nền tảng mạng xã hội. Ví dụ, nhóm “Nghiện ăn chay” trên Facebook với hơn 223.000 thành viên thường xuyên chia sẻ công thức nấu phở chay và hình ảnh hấp dẫn. Nhiều thành viên trong nhóm xem phở chay như một món ăn “chữa lành”, mang lại cảm giác nhẹ nhàng và thoải mái cho cơ thể.
“Thức ăn chữa lành cơ thể, đối với tôi, là phở chay. Cuối tuần nào tôi cũng nấu phở chay, tôi rất thích nấu các món nước từ rau củ vì nước dùng thanh ngọt nhẹ nhàng như bầu, mướp, táo, củ cải, quế, hồi, gừng…
Chỉ có vậy thôi mà thơm ngây ngất mùi thơm đặc trưng của phở chay rồi đó cả nhà”, tài khoản Diệu Nhi chia sẻ trên nhóm.
Tại các thành phố lớn như TP.HCM, phở chay đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường ẩm thực. Nhiều nhà hàng chay đã đưa phở chay vào menu của mình và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.
Ở khu vực Phú Mỹ Hưng (quận 7), một quán phở chay nổi tiếng thu hút cả khách Việt và khách quốc tế, đặc biệt là người Hàn Quốc.
Quan sát, ở đây, phở chay có phần nước dùng chiết xuất từ rau củ. Món ăn là sự kết hợp của nhiều loại nấm, đậu phụ và rau. Nước phở ngọt thanh từ nguyên liệu cà rốt, bắp, củ cải trắng…
“Quán chúng tôi ban đầu kinh doanh mấy món chay đặc trưng của người Việt. Về sau, muốn làm mới và đa dạng món ăn, đầu bếp mới nghĩ cách và biến tấu món phở quen thuộc thành phở chay.
Rất nhiều người Việt, người Hàn muốn ăn sáng với phở chay. Trước đây tháng 7 âm lịch, quán đông khách nhưng hiện nay ngày nào quán cũng đông”, nhân viên quán này cho hay.
Anh Nguyễn Xuân Anh, chủ một nhà hàng chay trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7), chia sẻ một thông tin thú vị: mặc dù nhà hàng ban đầu nhắm đến đối tượng khách hàng trung niên, nhưng thực tế cho thấy 70 – 80% khách hàng là người trẻ và du khách nước ngoài.
Điều này cho thấy sức hấp dẫn của phở chay đối với thế hệ trẻ và khả năng thu hút khách du lịch của món ăn này.
Kim Seo Baram, một phiên dịch viên Hàn – Việt sống tại Việt Nam, là một ví dụ điển hình cho sự yêu thích phở chay của người nước ngoài.
Cô chia sẻ rằng đã “nghiện” ăn phở chay tại các nhà hàng ở TP.HCM trong ba năm qua, đánh giá cao không chỉ hương vị mà còn cả tác động tích cực đến sức khỏe và tinh thần.
Rất hợp xu hướng “healthy”
Sự phát triển của phở chay không chỉ dừng lại ở việc thu hút khách hàng, mà còn thể hiện qua sự sáng tạo không ngừng trong cách chế biến. Anh Nguyễn Tuấn, đầu bếp trưởng của một nhà hàng chay ở quận 7, với bảy năm kinh nghiệm trong ngành thực phẩm chay, cho biết có vô vàn cách biến tấu phở chay.
Từ việc thử nghiệm với các loại nấm khác nhau đến việc kết hợp đa dạng rau củ, anh Tuấn và nhiều đầu bếp khác đã góp phần làm phong phú thêm menu phở chay, đáp ứng được khẩu vị đa dạng của thực khách.
Không chỉ là một xu hướng ẩm thực, phở chay còn được các chuyên gia đánh giá cao về mặt dinh dưỡng và sức khỏe.
Theo một nữ chuyên gia ẩm thực thuộc Hội đầu bếp Việt Nam (VICA), phở chay cung cấp nhiều chất xơ từ rau sống và đậu phụ, giúp tăng cường hệ tiêu hóa.
Ngoài ra các thành phần như nấm và đậu phụ trong phở chay cũng cung cấp protein thực vật và nhiều dưỡng chất quan trọng khác.
PGS.TS Lâm Vĩnh Niên, trưởng khoa dinh dưỡng – tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đánh giá cao phở chay như một món ăn ít dầu mỡ và cholesterol, giúp thanh lọc cơ thể, tốt cho hệ tiêu hóa và tim mạch.
Ông nhấn mạnh rằng phở chay phù hợp cho mọi đối tượng, đặc biệt là những người ăn chay trường, người đang muốn giảm cân hoặc cải thiện sức khỏe tổng thể.
Sự kết hợp giữa hương vị truyền thống và sáng tạo, cùng với những lợi ích sức khỏe rõ rệt, đã giúp phở chay trở thành một lựa chọn hấp dẫn không chỉ cho người ăn chay mà còn cho cả những người muốn thay đổi khẩu vị và cải thiện chế độ ăn uống.
Điều này phản ánh một xu hướng lớn hơn trong xã hội hiện đại: sự chuyển dịch về nhận thức và hành vi tiêu dùng, hướng tới lối sống lành mạnh và bền vững hơn.
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ chế biến thực phẩm và sự sáng tạo của các đầu bếp, phở chay hứa hẹn sẽ còn phát triển và đa dạng hơn nữa trong tương lai.
Từ một biến tấu đơn giản của món ăn truyền thống, phở chay đã trở thành một biểu tượng cho sự đổi mới trong ẩm thực Việt Nam, đồng thời là một phần quan trọng trong xu hướng sống xanh, sạch và lành mạnh đang ngày càng được ưa chuộng.
Một lần thử, cả đời vấn vương
“Tôi sống Việt Nam được bốn năm. Ở Hàn Quốc, rất ít người trẻ chọn ăn chay. Nhưng từ khi sang Việt Nam sống ở khu phố Hàn Quốc (một số khu phố ở quận 7 – PV), tôi tò mò về cái tên phở chay.
Chỉ một hôm vì đổi vị, tôi bị vấn vương khi ăn thử phở chay. Nước dùng có màu trong, vị ngọt tự nhiên từ rau củ cùng với sợi phở mềm dai. Có thêm nấm rơm và đậu hủ, đúng “gu” ăn để tôi giữ vóc dáng” – chị Min Suh, làm việc ở hãng thời trang tại Trung tâm thương mại Lotte Mart (quận 7, TP.HCM), nói.
Lễ hội phở Việt – Vietnam Phở Festival 2024 tại Seoul, Hàn Quốc sẽ diễn ra vào ngày 5 và 6-10-2024 với chủ đề “Enjoy Phở, Discover Vietnam”.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) đồng tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, UBND TP.HCM.
Chương trình có sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul (Bộ Ngoại giao), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Sở Công Thương TP.HCM, Hội Người Việt tại Hàn Quốc, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc.
Nguồn: https://tuoitre.vn/pho-chay-ngay-cang-duoc-ua-chuong-20240927112154252.htm