Làng chài Nam Ô không chỉ có cảnh quan đẹp, mà còn nổi danh với nước mắm tiến vua, rong biển (mứt biển) cùng trầm tích văn hóa lịch sử 700 năm.
Tuy giàu tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và huyền sử văn hóa, nhưng đời sống người Nam Ô vẫn còn khó khăn, do chủ yếu khai thác gần bờ, ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản và sinh kế người dân, tiềm ẩn nguy cơ cạn kiệt.
Ông Nguyễn Hà Bắc, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, chia sẻ, vấn đề chuyển đổi nghề cho ngư dân, hướng đến khai thác hiệu quả bền vững luôn được địa phương quan tâm, đau đáu tìm giải pháp.
Tháng 4 vừa qua, Q.Liên Chiểu, Sở Du lịch và Tập đoàn Trung Thủy đã triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho người dân Nam Ô, trong đó trao tặng 50 xe bán hàng cho các hộ dân kinh doanh tại Phố ăn vặt Nam Ô với tổng trị giá 500 triệu đồng.
Tập đoàn Trung Thủy cũng hỗ trợ 600 triệu đồng cho 50 hộ hoàn cảnh khó khăn để có vốn kinh doanh tại Phố ăn vặt, hoặc tạo sinh kế, học và đào tạo nghề, có nguồn thu nhập chủ động, ổn định thay vì phụ thuộc vào đánh bắt hải sản truyền thống, trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản cạn dần.
Theo khảo sát của UBND Q.Liên Chiểu, nghề cá ven bờ Nam Ô thường hoạt động từ 4 – 8 giờ sáng, ngư dân muốn làm thêm thời gian còn lại trong ngày nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, thu nhập không ổn định.
Do đó, Phố ăn vặt Nam Ô ra đời đã giải được bài toán “ngư nhàn”, phù hợp với người dân phát triển kinh tế tại chỗ, như dịch vụ vui chơi giải trí, ẩm thực để tăng thu nhập. Đồng thời, với đặc thù người địa phương, người Nam Ô có tinh thần trách nhiệm cao trong việc gìn giữ môi trường du lịch, đóng vai trò là sứ giả của vùng đất giàu văn hóa, sản vật.
Bên cạnh đó, Phố ăn vặt Nam Ô được triển khai đồng bộ, cùng với Công viên đường Nguyễn Tất Thành góp phần tạo một điểm đến và sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách mùa hè này.
Khai trương từ ngày 28.4, Phố ăn vặt Nam Ô hoạt động từ 18 – 23 giờ hằng ngày, kể cả lễ tết. Nhờ đáp ứng đúng nhu cầu cộng đồng, tuyến phố chuyên doanh này hoạt động hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Tâm, 43 tuổi, ngụ P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu kể: “Trước đây tôi chỉ loay hoay ở nhà cơm nước, phụ chồng đánh cá, thu nhập bấp bênh vì cá gần bờ không còn nhiều, từ ngày được hỗ trợ vào Phố ăn vặt Nam Ô, tôi đã có 1 xe bán gỏi cá trích và các đặc sản như nước mắm, mứt biển Nam Ô… thu nhập bước đầu rất tốt, đặc biệt là vào các ngày cuối tuần, khi người dân Nam Ô rất đông”.
Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu chia sẻ, sự thành công của mô hình chuyển đổi ngành nghề cho người dân Nam Ô là tiền đề để nghiên cứu, áp dụng cho một số làng chài, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.