Luôn là thể loại được khán giả yêu thích nên không ngạc nhiên khi nửa cuối năm 2024, màn ảnh Việt chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt phim kinh dị, trong đó có những tác phẩm nhận được nhiều kỳ vọng.
Cuộc đua “tứ mã”
Từ nay đến cuối năm, có ít nhất 4 phim mang màu sắc kinh dị, tâm linh sẽ ra mắt, gồm: Ma da (đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng, dự kiến khởi chiếu 16-8), Làm giàu với ma (Trung Lùn, 30-8), Cám (Trần Hữu Tấn, tháng 9) và Linh Miêu (Lưu Thành Luân, 22-11). Có một điểm chung, sau thành công về doanh thu của các phim kinh dị Việt gần đây như: Quỷ cẩu, Kẻ ăn hồn, Bắc kim thang, Chuyện ma gần nhà…, các nhà làm phim Việt đang có xu hướng sử dụng chất liệu văn hóa dân gian trong tác phẩm của mình.
Ma da lấy chất liệu từ truyền thuyết nhiều đời nay của những người dân sống ở các vùng sông nước; hay với Cám, được xem là dị bản kinh dị lấy cảm hứng từ truyện cổ tích nổi tiếng Tấm Cám với những nhân vật, chi tiết mới, gợi cảm giác vừa lạ vừa quen cho khán giả. Cám cũng được xem là phim kinh dị được đầu tư lớn nhất trong lịch sử điện ảnh Việt, có chiến lược phát hành dài hơi, không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Linh Miêu là phần tiếp theo của bộ ba phim kinh dị có chất liệu dân gian. Lần này Giám đốc sáng tạo – đạo diễn Võ Thanh Hòa và đạo diễn Lưu Thành Luân chọn câu chuyện về quỷ nhập tràng làm chủ đề chính.
Theo ông Võ Thanh Hòa, đây là câu chuyện hoàn toàn mới, tách rời với Quỷ cẩu. Ê kíp mong muốn mang đến sức sống mới, màu sắc mới cho bộ phim thứ hai trong chuỗi phim kinh dị dân gian. Riêng Làm giàu với ma lại khác biệt khi lựa chọn câu chuyện vừa mang màu sắc gia đình, hài hước và tâm linh, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên lấn sân đạo diễn của diễn viên Trung Lùn.
Theo nhà phê bình Tuấn Lalarme: “Có lẽ với rất nhiều thất bại về mặt doanh thu của các thể loại phim khác nhau, những nhà làm phim, nhà đầu tư, sản xuất nhận ra rằng, làm phim kinh dị sẽ giảm thiểu yếu tố rủi ro về doanh thu. Bản thân việc sản xuất phim kinh dị thì ngân sách không cần nhiều, cũng không cần gương mặt ngôi sao, chỉ cần một câu chuyện đủ rùng rợn và thu hút. Không chỉ Việt Nam, thế giới cũng chuộng làm phim kinh dị. Nếu một phim kinh dị thành công, lợi nhuận thu được là cực kỳ lớn”.
Xác lập vị thế
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều chuyên gia điện ảnh cũng cho rằng, năm 2024 có thể xem là năm của thể loại phim kinh dị. Điển hình như Exhuma: Quật mộ trùng ma với doanh thu hơn 212 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam và gần 100 triệu USD doanh thu toàn cầu. Hay gần đây, phần tiếp theo của thương hiệu kinh dị đình đám A Quiet Place cũng tiếp tục chiếm lĩnh phòng vé với tổng doanh thu toàn cầu hơn 220 triệu USD.
Longlegs – tác phẩm kinh dị độc lập vừa được phát hành tại Mỹ vào đầu tháng 7, cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực và được dự đoán có thể là “bom tấn mới” mùa phim hè năm nay. Đặc biệt, sau loạt phim kinh dị đầy tính sáng tạo như: Get Out, Hereditary, Us, Nope, Lamb, M3GAN, Talk to Me, Beau Is Afraid…, phim kinh dị cũng có chỗ đứng ở các giải thưởng điện ảnh lớn. Một số phim kinh dị nổi bật ra mắt trong năm 2024 có thể kể đến: Abigail, Immaculate, Late Night with the Devil, Nosferatu, MaXXXine…
Chad Archibald, một nhà sản xuất kỳ cựu, đã thực hiện hơn 30 bộ phim kinh dị thông qua Black Fawn Films, nói với IndieWire: “Đó là một thể loại rất rộng mở. Bạn có thể phá vỡ mọi quy tắc. Đó là một thể loại có xu hướng mạo hiểm hơn một chút về mặt nghệ thuật, vì những người hâm mộ kinh dị cũng là những người mê điện ảnh. Họ muốn thấy những điều khác biệt, những điều thú vị, những tầm nhìn mới”.
Trong khi đó, theo nhà phê bình phim Tuấn Lalarme, dù gặp nhiều khó khăn như phải cạnh tranh với các nền tảng phát trực tuyến, hay khán giả vẫn có sự ngần ngại khi ra rạp xem phim kinh dị, thể loại này vẫn luôn có được một lượng khán giả trung thành và còn nhiều tiềm năng để khai thác.
“Có lẽ vì con người luôn tò mò với những gì mình không biết, không thấy, và luôn muốn trải nghiệm những cảm xúc cực hạn của bản thân, nên thể loại phim giật gân, kinh dị, mang yếu tố rùng rợn, kỳ bí, hù dọa lại cuốn hút đến vậy. Điều này khác với các dòng phim khác, rất khó để đạt được sự bứt phá nhằm chạm vào những cảm xúc vui sướng hay đau khổ… Trong khi đó, sợ hãi có vẻ là cái dễ tìm được nhất khi xem một phim kinh dị”, nhà phê bình phim Tuấn Lalarme nhận định.
VĂN TUẤN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/phim-kinh-di-duoc-mua-post751982.html