Philippines, Mỹ tuần tra chung ở Biển Đông, Trung Quốc áp thuế đáp trả Mỹ, Panama không gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế04/02/2025

Mỹ đạt thoả thuận di cư "lịch sử" với El Salvador, Nga tố cáo phương Tây áp đặt trật tự thế giới đơn cực, Mỹ nghi ngờ Iran đẩy nhanh chế tạo bom hạt nhân, Moscow triển khai hệ thống tên lửa Oreshnik tại Belarus…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.


Tin thế giới 4/2: Philippines, Mỹ tuần tra chung ở Biển Đông, Trung Quốc áp thuế đáp trả Mỹ, Panama không gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc
Không quân Philippines và Mỹ đang tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Philippines, Mỹ tuần tra chung ở Biển Đông: Người phát ngôn Không quân Philippines Maria Consuelo Castillo thông báo ngày 4/2, không quân Philippines và Mỹ đang tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông, trong bối cảnh Manila cho biết họ đang theo dõi 3 tàu Trung Quốc trong vùng biển của họ.

Bà Castillo cho hay 2 máy bay chiến đấu FA-50 của Philippines và 2 máy bay ném bom B1-B của Mỹ đang tham gia tuần tra, bao gồm cả việc bay qua bãi cạn Scarborough, một thực thể hàng hải đang tranh chấp ở Biển Đông mà Trung Quốc kiểm soát.

Cùng ngày, người phát ngôn Không quân Trung Quốc chỉ trích việc Philippines tiến hành "tuần tra chung" với Mỹ là nhằm "phá hoại hòa bình và ổn định" ở Biển Đông. (Anadolu)

*Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol yêu cầu hủy lệnh bắt giữ: Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Suk Yeol đã chính thức đệ đơn lên Tòa án Seoul yêu cầu hủy bỏ lệnh bắt giữ đối với ông. Động thái này diễn ra trong bối cảnh ông đang phải đối mặt với cáo buộc nghiêm trọng về việc lãnh đạo một cuộc nổi loạn thông qua việc áp đặt thiết quân luật vào đầu tháng 12 năm ngoái.

Nhóm luật sư bào chữa của ông Yoon đã đệ trình yêu cầu này trước thềm phiên chuẩn bị xét xử đầu tiên, dự kiến diễn ra vào ngày 20/2 tới. Theo quy định của Luật Tố tụng Hình sự Hàn Quốc, tòa án có nghĩa vụ xem xét hủy lệnh bắt giữ khi các căn cứ bắt giữ không còn hiệu lực, và phải đưa ra phản hồi trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu.

Hiện tại, ông Yoon Suk Yeol đang bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ Seoul ở Uiwang, phía nam thủ đô. Ông bị truy tố vào ngày 26/1 với cáo buộc dẫn đầu một cuộc nổi loạn thông qua việc ban hành lệnh thiết quân luật ngắn hạn vào ngày 3/12. (Yonhap)

* Trung Quốc áp thuế đáp trả Mỹ: Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 4/2 thông báo sẽ áp thuế đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu của Mỹ nhằm đáp trả các biện pháp thuế quan mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra mới đây.

Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết mức mức thuế 15% sẽ được áp dụng với than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ đồng thời cho biết các mức thuế này sẽ có hiệu lực từ 10/2 tới. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng áp thuế 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp, xe có dung tích lớn và xe bán tải nhập khẩu từ Mỹ.

Động thái này được đưa ra sau khi Washington thông báo áp thuế 10% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định hành động này "vi phạm nghiêm trọng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)". (AFP)

TIN LIÊN QUAN
Khó 'né' tác động thuế quan từ Mỹ, Trung Quốc có thể trả đũa mạnh hơn dự đoán nếu bị 'dồn vào chân tường'

*Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu khoáng sản quan trọng: Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 4/2 tuyên bố nước này sẽ áp đặt kiểm soát xuất khẩu với vonfram, teluri, rutheni, molypden và các sản phẩm liên quan đến rutheni để "bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia".

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh trước đó cùng ngày, Trung Quốc đã áp đặt thuế quan đối với nhiều loại mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ; trong đó có than, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng như dầu thô; nhằm đáp trả mức thuế 10% mà Washington áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. (Reuters)

*Tổng thống Mỹ mời Thủ tướng Ấn Độ thăm Nhà Trắng: Một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Nhà Trắng vào tuần tới, vài giờ sau khi một máy bay quân sự Mỹ khởi hành đưa những người di cư bị trục xuất về nước.

Ông Trump đã có cuộc điện đàm với ông Modi vào ngày 27/1, trong đó ông đề cập đến vấn đề nhập cư và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Ấn Độ mua thêm thiết bị an ninh do Mỹ sản xuất và quan hệ thương mại song phương bình đẳng.

Ấn Độ, đối tác chiến lược của Mỹ rất muốn tăng cường quan hệ thương mại và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân của mình xin thị thực lao động có tay nghề. Hiện Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ với kim ngạch thương mại song phương vượt 118 tỷ USD trong năm 2023-2024, trong đó Ấn Độ ghi nhận thặng dư thương mại 32 tỷ USD. (Reuters)

*Nga-Triều xúc tiến dự án cầu đường bộ chung: Một dự án cầu đường bộ chung nối Triều Tiên và Nga qua sông Tumen đang được tiến hành, với mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2026.

Interfax ngày 3/2 đưa tin Chính phủ Nga đã giao cho công ty xây dựng TonnelYuzhStroi nhiệm vụ thiết kế và xây dựng một cây cầu đường bộ bắc qua sông trên biên giới với Triều Tiên. Thời hạn hoàn tất hợp đồng là ngày 31/12/2026.

Hợp đồng được ký sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký kết một thỏa thuận tại Bình Nhưỡng vào tháng 6/2024 về việc xây dựng một cây cầu bắc qua sông Tumen, bên cạnh thỏa thuận phòng thủ chung mở rộng.

Việc xây dựng cầu đường bộ dự kiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa và hành khách giữa hai nước, trong bối cảnh Bình Nhưỡng và Moskva đã tăng cường hợp tác kinh tế, quân sự và trong các lĩnh vực khác.

Theo thông tin trên, cây cầu sẽ bao gồm hai làn xe, dài 800 mét, rộng 10 mét, và sẽ được xây dựng cách một cây cầu đường sắt khác bắc qua sông khoảng 400 mét về phía hạ lưu. (Yonhap)

Châu Âu

*Nga tố cáo phương Tây áp đặt trật tự thế giới đơn cực: Ngày 4/2, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev đã đưa ra cáo buộc nghiêm trọng về tham vọng bá quyền của phương Tây, cho rằng họ chỉ chấp nhận mô hình thế giới đơn cực dưới sự thống trị của châu Âu và Mỹ.

Phát biểu trên kênh Telegram nhân kỷ niệm 80 năm Hội nghị Yalta, ông Kosachev nhấn mạnh rằng chính sách này của phương Tây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến Chiến tranh Lạnh trong thế kỷ 20 và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine năm 2022.

Ông Kosachev cáo buộc EU và NATO là những đối tác "đáng xấu hổ", những kẻ đã nhiều lần phá vỡ thỏa thuận và lừa dối Liên Xô cũng như Nga. Mặc dù bày tỏ hy vọng về triển vọng đàm phán hòa bình trong tương lai gần, nhà ngoại giao kỳ cựu này vẫn kêu gọi người dân Nga cần tỉnh táo nhìn nhận về phương Tây, thay vì bị mê hoặc bởi "những bức ảnh đẹp và các chuyến du lịch ẩm thực". (TASS)

*Cảnh sát biển Italy giải cứu 130 người di cư trên biển: Theo hãng tin Ansa ngày 4/2, cảnh sát biển Italy đã giải cứu 130 người di cư trên một chiếc tàu đánh cá nhỏ, bị mắc kẹt trong cơn bão dữ dội cách Crotone 177 km về phía Nam, thuộc vùng Calabria.

Con tàu đã khởi hành từ Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 30/1 và hoạt động cứu hộ trở nên phức tạp do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, với sức gió 45 hải lý và sóng cao 6 mét. Cuối cùng, tất cả 130 người di cư đã được chuyển an toàn lên một tàu tuần tra và mất 7 giờ để đến cảng Crotone trong cơn bão.

Những người di cư được giải cứu chủ yếu là người Afghanistan và người Iran, cùng với 9 người Iraq và 6 người Pakistan, trong đó có 27 phụ nữ và 30 trẻ vị thành niên, bao gồm 6 trẻ em không có người đi kèm. Sau khi kiểm tra y tế và xử lý nhập cư, những người di cư đã được chuyển đến trung tâm tiếp nhận Isola Capo Rizzuto. (Ansa/AFP)

TIN LIÊN QUAN
Hàng nghìn người di cư thiệt mạng khi tìm đường đến châu Âu trong năm 2024

*Nga nói Mỹ không còn viện trợ miễn phí cho Ukraine: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4/2 tuyên bố những bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý rằng ông muốn Ukraine cung cấp cho Washington khoáng sản đất hiếm cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ đang muốn Kiev tra tiền cho sự hỗ trợ của Washington thay vì nhận miễn phí.

Trước đó, ngày 3/2, Tổng thống Trump đã phát biểu với truyền thông rằng Ukraine sẵn sàng tham gia vào việc trao đổi, đồng thời cho biết ông muốn "bình đẳng" từ Ukraine đối với sự hỗ trợ gần 300 tỷ USD của Washington.

Ông Peskov cho biết lời bình luận trên của ông Trump chứng tỏ Mỹ không còn sẵn sàng cung cấp viện trợ miễn phí cho Kiev. (TASS)

*Nga triệu tập HĐBA thảo luận khủng hoảng Ukraine: Phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) vừa thông báo kế hoạch triệu tập một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an (HĐBA) về tình hình khủng hoảng tại Ukraine, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 2 này.

Thông tin trên được ông Dmitry Polyanskiy, Phó Đại diện thường trực của Nga tại LHQ xác nhận trong cuộc trao đổi với báo chí hôm 3/2. Động thái này diễn ra sau khi Nga vừa tổ chức cuộc họp theo công thức Arria hồi tháng 1 để thảo luận về các cáo buộc tội ác do quân đội Ukraine gây ra.

Khi được hỏi về khả năng đưa vấn đề các cáo buộc tội ác của quân đội Ukraine tại vùng Kursk vào chương trình nghị sự, ông Polyanskiy cho biết phái đoàn Nga ưu tiên tập trung vào thảo luận tổng thể về tình hình khủng hoảng Ukraine. (RIA Novosti)

*Nga triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik tại Belarus: Vụ trưởng phụ trách Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) thuộc Bộ Ngoại giao Nga Alexey Polishchuk ngày 3/2 cho biết hệ thống tên lửa tầm trung siêu thanh Oreshnik sẽ được triển khai tại Belarus theo thỏa thuận trước đó giữa lãnh đạo hai nước.

Ông Polishchuk nói: "Theo các nghĩa vụ đồng minh đã được ghi nhận trong Khái niệm An ninh của Liên bang và Thỏa thuận song phương liên quốc gia về Đảm bảo An ninh năm 2024, Nga sẵn sàng cung cấp cho Minsk sự hỗ trợ cần thiết và thực hiện các bước để bảo vệ không gian phòng thủ chung".

Cuối tháng 1/2025, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thông báo rằng hệ thống siêu thanh Oreshnik của Nga sẽ được triển khai tại quốc gia này "trong những ngày tới". Theo ông Lukashenko, nó có thể được đặt gần thành phố Smolensk. (TASS)

Trung Đông-châu Phi

*Iran hợp tác với Nga xây dựng tuyến đường sắt nội địa: Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali ngày 4/2 tuyên bố Tehran và Moscow đã nhất trí ký thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt nối giữa hai thành phố Rasht và Astara của Iran như một phần của dự án Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam (ITC).

Ông Jalali phát biểu: "Các bạn biết rằng trong khuôn khổ ITC, vấn đề trọng tâm là xây dựng tuyến đường sắt đoạn Rasht-Astara. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nga và phía Iran đã tổ chức tham vấn về dự án này nhiều lần trong ba tháng qua. Họ đã đạt được những thỏa thuận rất tốt. Các bộ trưởng của chúng tôi đã nhất trí ký một thỏa thuận thực hiện dự án này vào tháng 3 năm nay".

Bên cạnh đó, ông Jalali cũng cho biết các cuộc tham vấn về việc vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Iran vẫn đang tiếp tục, với các thỏa thuận quan trọng đã đạt được song vẫn còn một số vấn đề cần được thống nhất. (Sputniknews)

* Mỹ nghi ngờ Iran đẩy nhanh chế tạo bom hạt nhân: Tờ New York Times mới đây dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho rằng Iran đang tìm cách chế tạo bom hạt nhân một cách nhanh nhất có thể.

Theo bài viết, các nhà khoa học và thiết kế vũ khí của Iran muốn rút ngắn thời gian chuyển đổi từ kho nguyên liệu hạt nhân ngày càng tăng của nước này thành vũ khí trong khoảng vài tháng thay vì một năm hoặc hơn khi Chính phủ Iran muốn điều chỉnh chiến lược hiện nay.

Theo New York Times, đánh giá tình báo trên được chính quyền Tổng thống Joe Biden thu thập ở giai đoạn cuối của nhiệm kỳ và đã bàn giao lại cho chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Thông tin này nhiều khả năng sẽ được phía Mỹ nêu ra trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 4/2. (The NYT)

TIN LIÊN QUAN
Iran và các nước châu Âu 'nói chuyện' thẳng thắn về thỏa thuận hạt nhân

*Israel tiếp tục đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn Gaza: Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 4/2 thông báo nước này sẽ cử phái đoàn tới thủ đô Doha của Qatar trong tuần này để thảo luận về giai đoạn hai của thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza.

Sau các cuộc họp tại Washington giữa Thủ tướng Netanyahu và các cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Văn phòng Thủ tướng Israel ra tuyên bố nêu rõ: "Israel đang chuẩn bị để phái đoàn cấp chuyên viên sang Doha vào cuối tuần này nhằm thảo luận các chi tiết kỹ thuật liên quan đến việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận". (AFP)

*Somalia bắt giữ chỉ huy IS cấp cao: Theo giới chức Somalia ngày 3/2, một chỉ huy cấp cao của chi nhánh Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Somalia đã bị bắt giữ. Vụ bắt giữ diễn ra hai ngày sau khi thủ lĩnh IS bị nhắm mục tiêu trong các cuộc không kích của Mỹ và trong bối cảnh lực lượng an ninh sở tại tiếp tục cuộc tấn công kéo dài nhiều tuần chống lại nhóm này.

Trong vài năm trở lại đây, chi nhánh IS của Somalia ngày càng quan trọng trong mạng lưới toàn cầu của tổ chức này, phát triển nhờ dòng chiến binh nước ngoài đổ vào và doanh thu được cải thiện từ các hoạt động bất hợp pháp.

Khu vực Puntland của Somalia đã tuyên bố mở một cuộc tấn công lớn chống lại Nhà nước Hồi giáo và một nhóm Hồi giáo đối thủ, Al-Shabaab có liên hệ với Al Qaeda, vào tháng 12 và tuyên bố đã chiếm được một số căn cứ của IS. (Al Jazeera)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Mỹ và Nhật Bản thắt chặt quan hệ trước thách thức an ninh khu vực: Ngày 4/2, Chính phủ Nhật Bản công bố kế hoạch chuyến công du Mỹ kéo dài 3 ngày của Thủ tướng Ishiba Shigeru, bắt đầu từ ngày 6/2 tới.

Đây sẽ là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Nhật Bản với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tại hội nghị thượng đỉnh này, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tập trung thảo luận về việc củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ đồng minh song phương. Các vấn đề trọng tâm bao gồm đối phó với những thách thức từ Triều Tiên và Trung Quốc, cũng như nỗ lực chung nhằm đảm bảo một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. (Kyodo)

*Mỹ đạt thoả thuận di cư "lịch sử" với El Salvador: Ngày 3/2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết ông đã đạt được thỏa thuận di cư với Tổng thống El Salvador Nayib Bukele, theo đó El Salvador đồng ý tiếp nhận những người di cư thuộc bất kỳ quốc tịch nào bị trục xuất khỏi Mỹ và giam giữ họ trong các nhà tù của nước này. Trước đó chưa có tiền lệ nào về việc một quốc gia dân chủ gửi công dân của mình đến các nhà tù nước ngoài.

Trả lời báo giới, ông Rubio cho hay: "Ông ấy đã đề nghị giam giữ trong các nhà tù El Salvador những tên tội phạm người Mỹ nguy hiểm đang bị giam giữ tại đất nước chúng tôi, bao gồm cả những tên có quốc tịch Mỹ và thường trú hợp pháp. Chưa có quốc gia nào đưa ra lời đề nghị hữu nghị như vậy. Chúng tôi vô cùng biết ơn. Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Donald Trump về vấn đề này".

Ông Rubio dường như gợi ý rằng việc chuyển nhà tù sẽ tập trung vào các thành viên của các băng đảng Mỹ Latinh như MS-13 của El Salvador và Tren de Aragua của Venezuela, những người đã nhập tịch Mỹ. (AFP)

*Panama không gia hạn thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc: Tân Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 3/2 hoan nghênh quyết định của Panama không gia hạn thỏa thuận liên quan đến sáng kiến "Vành đai và Con đường" với Trung Quốc, coi đây là "bước tiến đáng kể" trong quan hệ giữa Mỹ và Panama, cũng như trong nỗ lực "tự do hóa hoạt động của kênh đào Panama".

Trên tài khoản mạng xã hội X, Ngoại trưởng Marco Rubio - người vừa có chuyến thăm Panama – khẳng định tuyên bố hôm 2/2 của Tổng thống Panama về việc không gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc là minh chứng cho thấy năng lực lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump khi luôn ưu tiên các chính sách nhằm bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia của Mỹ.

Trước đó, phát biểu họp báo sau cuộc gặp Ngoại trưởng Marco Rubio tại thủ đô Panama, Tổng thống José Raúl Mulino tuyên bố Panama sẽ không gia hạn Biên bản ghi nhớ (MoU) liên quan đến sáng kiến "Vành đai và Con đường" mà nước này ký với Trung Quốc hồi năm 2017 dưới thời của Tổng thống Juan Carlos Varela. (AFP)



Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-42-philippines-my-tuan-tra-chung-o-bien-dong-trung-quoc-ap-thue-dap-tra-my-panama-khong-gia-han-thoa-thuan-voi-trung-quoc-303155.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available