Những vùng dược liệu tiềm năng
Theo kết quả khảo sát của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 35 loài/nhóm loài cây dược liệu đang được khai thác phục vụ nhu cầu thị trường. Trong đó, có một số loài cây dược liệu quý hiếm, như: Sâm Puxailaileng, Bảy lá một hoa, Lan kim tuyến, Thổ phục linh…
Có tiềm năng về chủng loại, Nghệ An đã hình thành được nhiều vùng trồng dược liệu, với tổng diện tích trên 1.459,29 ha. Theo đó, các loài được gây trồng quy mô lớn với khoảng 410ha gồm: Chanh leo, gấc, nghệ, thảo đậu khấu nam. Cây trồng với diện tích lớn nhưng không tập trung với khoảng 620ha gồm: Quế, bồ bồ, hành tăm. Các cây thuốc nam trồng rải rác với qui mô nhỏ, phục vụ nhu cầu tại chỗ và thị trường có diện tích khoảng 64ha gồm: Hoè, cà gai leo, hàm ếch, mã đề, chè vằng, ích mẫu, kinh giới, tía tô, kim tiền thảo… Các loài quý hiếm, có giá trị trồng thử nghiệm có diện tích khoảng 22ha gồm: Sâm bảy lá một hoa, đẳng sâm, hà thủ ô đỏ, lan kim tuyến, sa nhân tím, sâm ngọc linh, sâm Puxailaileng, đỗ trọng…
Hiện nay, các địa điểm trồng cây dược liệu được chia thành các tiểu vùng (Tiểu vùng miền núi gồm Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn trồng khoảng 25 loài; Tiểu vùng trung du gồm Yên Thành, Hoàng Mai, Nam Đàn với khoảng 12 loài; Tiểu vùng đồng bằng Quỳnh Lưu, Nghi Lộc với 11 loài).
Ngoài ra, một số hộ gia đình, hội viên hội đông y trên địa bàn các huyện cũng tham gia trồng cây thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh tại chỗ. Như tại xã Tam Hợp (huyện Quỳ Hợp) có gia đình đã trồng khoảng 300 loài cây thuốc trên tổng diện tích khoảng 5 ha. Ở huyện Yên Thành các hội viên Hội đông y (khoảng 130 hội viên), bình quân mỗi năm cũng trồng được trên 20 tấn dược liệu để phục vụ nhu cầu chữa bệnh cho Nhân dân và bán ra thị trường.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An – Võ Thị Nhung cho biết: Trong những năm qua, vấn đề phát triển cây dược liệu đã được UBND tỉnh và các cấp các ngành quan tâm. Thu nhập từ trồng cây dược liệu cao hơn từ 4-14 lần so với cây ngô và gấp 2 – 6 lần so với cây keo.
Tuy nhiên, cây dược liệu yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu; hệ thống cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng cây dược liệu còn thiếu… Do đó, muốn phát triển dược liệu, điều cốt lõi nhất, vẫn là thu hút doanh nghiệp tổ chức sản xuất, thu mua, bao tiêu và chế biến sản phẩm. Đây là tiền đề để tỉnh triển khai chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm trong phát triển cây dược liệu; đặc biệt là thực hiện có hiệu quả tiểu Dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719).
Phát triển cây dược liệu thành thế mạnh
Xác định phát triển dược liệu là một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đang tập trung thu hút các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến để đánh thức tiềm năng cây dược liệu.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án lớn được đầu tư phát triển theo hình thức liên doanh, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, với quy mô gần 2.000ha, trong đó, có nhiều loại cây dược liệu quý hiếm. Đó là các vùng dược liệu của các đơn vị như Công ty Dược Nghệ An, Tập đoàn TH, Công ty HUDI, Công ty dược liệu Pù Mát, Kim Sơn, Tập đoàn y dược Sâm ngọc linh Việt Nam… và nhiều HTX và hộ kinh doanh cá thể sản xuất và kinh doanh dược liệu. Điều này đang mở ra nhiều triển vọng trong việc nâng cao giá trị cây dược liệu, tạo sinh kế bền vững, định canh, định cư ổn định cho người dân, nhất là đồng bào các DTTS tại các huyện miền Tây của tỉnh.
Công tác phát triển dược liệu gắn với bảo tồn đa dạng sinh học đã được UBND tỉnh triển khai và chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện thực hiện. Việc sản xuất, chế biến nuôi trồng dược liệu cũng đã được Nhân dân và các doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Cùng với sự hỗ trợ của chương trình khoa học, các dự án đã hỗ trợ phát triển dược liệu, đến nay nhiều đối tượng dược liệu quý và có giá trị đã được trồng thử nghiệm, sản xuất giống, phân tích chất lượng trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, Nghệ An xác định và định hướng phát triển dược liệu, đặc biệt là dược liệu dưới tán rừng để khai thác tiềm năng lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng, phát huy giá trị đa dụng từ rừng, theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 39-NQ/TW là “phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến”.
Đáng chú ý, từ khi triển khai Tiểu dự án 2, Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719 về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN; thì cây dược liệu ở Nghệ An như được nâng tầm.
Hiện tại, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã chủ trì phối hợp với Sở Y tế, các sở, ban, ngành, đơn vị và các địa phương có liên quan, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện nội dung “Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý”, thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719.
Là huyện có nhiều tiềm năng về diện tích, khí hậu, thổ nhưỡng; huyện Kỳ Sơn đã hoàn thành dự thảo Kế hoạch triển khai dự án và đang thực hiện bước xin ý kiến góp ý. Ông Nguyễn Viết Hùng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Tiềm năng, thế mạnh về cây dược liệu của huyện là rất lớn. Chúng tôi hi vọng, khi thực hiện phát triển cây dược liệu theo Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719 sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm, thu nhập; góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Nguồn: https://baodantoc.vn/phat-trien-vung-trong-duoc-lieu-theo-chuong-trinh-mtqg-1719-o-nghe-an-bien-tiem-nang-thanh-the-manh-1729568331803.htm