Tỉnh Quảng Ninh có gần 423.000ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trong đó hơn 370.000ha đất có rừng. Những cánh rừng ngập mặn là “mái nhà chung” cho những loại thuỷ hải sản sinh sôi và phát triển. Những khu rừng trên cạn là nơi tổ chức hoạt động sản xuất cung ứng gỗ nguyên liệu, khoanh nuôi bảo vệ, trồng cây dược liệu dưới tán, phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại, du lịch dựa vào vốn rừng… Tất cả đều là sinh kế của người dân, cho phép người dân dựa vào rừng để làm giàu, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
96ha rừng ngập mặn trồng mới tại thôn 1 xã Hải Tiến (TP Móng Cái) nằm trong dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển mà tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ năm 2020 đến nay. So với trước đây, cách tổ chức thực hiện dự án này có nhiều đổi mới, theo hướng người dân bản địa là người trực tiếp thực hiện trồng, chăm sóc và bảo vệ cây thay vì giao cho nhà thầu trung gian nào đó.
Mỗi ha rừng ngập mặn ở Hải Tiến đầu tư từ khi trồng cho đến lúc thành rừng thường là 220-300 triệu đồng, gấp 3 lần trồng rừng trên cạn. Toàn bộ chi phí này được tính cho những người dân tham gia hoạt động trồng rừng. Như vậy, ngay từ khi dự án trồng rừng ngập mặn bắt đầu, người dân thôn 1 xã Hải Tiến đã được hưởng lợi về việc làm, ngày công, qua đó nâng cao thu nhập.
Kể từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh trồng được 560ha rừng ngập mặn, nâng tổng số rừng ngập mặn toàn tỉnh là trên 19.000ha, cao nhất trong số các tỉnh phía Bắc. Từ những cánh rừng ngập mặn trù phú này, là ngôi nhà sinh trưởng, phát triển của các loại thuỷ hải sản, người dân cũng nhờ đó mà khai thác để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Thực tế cho thấy, dưới các tán rừng ngập mặn là vô số những hải sản tự nhiên có giá trị như: Ngán, cua, tôm, ngao, sá sùng, sâu đất…, trong đó ngán, sá sùng được coi là loại thủy sản đặc hữu của Quảng Ninh, phát triển mạnh ở những diện tích bãi bồi có rừng ngập mặn. Tại nhiều địa phương, từ các cánh rừng ngập mặn, người dân có thể kết hợp để khai thác, nuôi trồng thủy sản, trong đó hiệu quả nhất là nuôi tôm quảng canh, nuôi thả hà treo dây… Tới đây là những ý tưởng, dự án về phát triển du lịch cộng đồng gắn với rừng ngập mặn.
Cùng với rừng ngập mặn, diện tích rừng trên cạn của Quảng Ninh cũng rất lớn. Theo tính toán của Sở NN&PTNT, hiện đất rừng, nghề rừng đang mang lại việc làm và thu nhập cho khoảng 60.000 lao động.
Tại huyện Ba Chẽ, trung tâm lâm nghiệp của tỉnh, mỗi năm có cả ngàn hộ dân tiến hành khai thác rừng trồng sản xuất. Diện tích rừng khai thác của Ba Chẽ ước gần 3.000ha, sản lượng gỗ khai thác trên 154.000m3, tương ứng với khoản tiền thu về là trên 300 tỷ đồng. Chuyển động kinh tế rừng Ba Chẽ cũng là chuyển động kinh tế rừng chung của các địa phương có rừng trên toàn tỉnh. Con số thống kê cho thấy, năm 2022, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của Quảng Ninh đạt trên 839.000m3, tăng 19,2% so với kế hoạch điều chỉnh. Sản lượng khai thác lâm sản ngoài gỗ, bao gồm nhựa thông là 3.300 tấn, vỏ quế 5.600 tấn, hoa hồi 925 tấn, hạt sở 600 tấn… Mang về nguồn thu cả ngàn tỷ đồng cho những hộ trồng rừng và các doanh nghiệp lâm nghiệp.
Những cánh rừng xanh ngắt của Quảng Ninh còn là bệ đỡ cho nhiều ngành kinh tế phát triển. Tại Khu rừng Quốc gia Yên Tử, có hệ sinh thái động, thực vật rừng nguyên sinh phong phú, đa dạng. Đặc biệt những cây thông nhựa khổng lồ, những cây mai vàng trăm năm tuổi… tại rừng Yên Tử gắn với truyền thuyết của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, góp phần khiến Yên Tử trở thành vùng trọng điểm du lịch. Điều này đồng nghĩa với rất nhiều hộ dân dưới chân núi phát triển kinh tế dịch vụ. Họ có việc làm, thu nhập, cải thiện được đời sống, nhiều người dân đang giàu lên nhờ du lịch Yên Tử.
Có thể thấy, rừng đang tạo sinh kế cho người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Rừng ở Quảng Ninh được bảo vệ và phát triển tốt, là một trong những nguồn lực giúp Quảng Ninh hết năm 2022 cơ bản không còn hộ nghèo, về đích trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.