Cần gắn với thu nhập thực tế của người dân
Tham gia góp ý vào dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) chiều 29/8, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) đề nghị nên có nguyên tắc nhà ở phát triển đi theo với quy mô phát triển dân số và quá trình đô thị hóa.
Dẫn chứng về các quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc xây dựng nhà ở cùng với sự phát triển dân số không được quá dư. Vì vậy, đại biểu nhận thấy, việc phát triển nhà ở cần lưu ý sự biến động dân số gắn với đô thị hóa.
Nguyên tắc thứ 2, đại biểu Nhân cho rằng, phát triển nhà và cung cấp nhà cho người dân cần gắn với thu nhập thực tế của người dân.
Đại biểu cũng đề nghị bỏ khái niệm “nhà lưu trú”, nên sử dụng là “nhà ở xã hội”, nhà ở xã hội dành cho công nhân và không nên để nhà lưu trú, nhà ở xã hội cho công nhân đặt trong khu công nghiệp (vì khu công nghiệp chỉ nên tập trung để sản xuất, kinh doanh). Do đó, ông đề nghị ban soạn thảo nên xem xét, cân nhắc các vấn đề này.
Về kế hoạch phát triển nhà cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị bổ sung kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh cần quy định nhà ở thương mại.
Cũng tham gia góp ý, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên – Huế) nêu rõ, Luật Nhà ở chỉ quy định về nhà ở và kinh doanh nhà ở, đất và kinh doanh đất nên quy định trong Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản.
Theo đại biểu, các vấn đề cần quan tâm cả lý luận và thực tiễn là xác định quyền sở hữu để chủ sở hữu nhà ở có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt và hưởng lợi ích.
Hiện nay, có nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và nhà chung cư, đại biểu cho rằng cần phân biệt giữa cấu trúc hạ tầng cũng như vị trí hình thành của 3 loại nhà này gắn với chế định về quy mô, công năng nhằm phát huy giá trị của từng loại hạ tầng nhà và tránh bị phá vỡ quy hoạch, không gian mỹ quan…
Bảo đảm chế độ nhà ở cho lực lượng vũ trang
Cho ý kiến về nhà ở cho lực lượng vũ trang trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) nêu rõ, lực lượng vũ trang là lực lượng đặc thù. Vì vậy trước hết cần xác định phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang là trách nhiệm của Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị đối với quy định đối tượng được thuê nhà ở công vụ cần tách riêng đối tượng được thuê nhà ở công vụ thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Về hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, đại biểu đề nghị nghiên cứu hiệu chỉnh theo hướng là lực lượng vũ trang được ưu tiên mua thuê, mua nhà ở xã hội; được ưu tiên vay vốn để mua thuê, mua nhà ở xã hội và nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Về kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang, đại biểu đề nghị là cần nghiên cứu theo hướng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Đại biểu Nguyễn Hải Hưng (đoàn Hải Dương) cũng cho rằng, dự thảo Luật đã có nhiều quy định cho đối tượng này, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng vũ trang trong vấn đề nhà ở.
Nêu góp ý, đại biểu đề nghị bổ sung lực lượng vũ trang được hỗ trợ giải quyết bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội cho các đối tượng trong lực lượng vũ trang.
Tại điều 102 về đất để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, đại biểu đoàn Hải Dương đề nghị bổ sung 1 khoản: Đất quốc phòng, an ninh do các đơn vị quân đội công an đang sử dụng nhưng trong quy hoạch không có nhu cầu sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở theo quy định của Luật Đất đai để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang.