Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kịch bản nào cho tỷ giá khi Mỹ vẫn áp thuế đối ứng 46%?

Nhiều chuyên gia cảnh báo, kịch bản Mỹ áp mức thuế đối ứng lên tới 46% với hàng hóa từ Việt Nam sẽ tạo áp lực lớn lên tỷ giá, cán cân thanh toán và chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông12/04/2025

Tỷ giá, lãi suất giảm áp lực nhưng vẫn cần thận trọng

Ngày 2/4, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách áp thuế đối ứng với 60 quốc gia, trong đó mức thuế dành cho hàng hóa từ Việt Nam lên tới 46%, có hiệu lực từ ngày 9/4. Thông tin này lập tức gây ra những biến động mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, ngày 10/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc - nơi chịu mức thuế tăng lên 125%. Quyết định này được đưa ra sau áp lực từ cộng đồng quốc tế và các đối tác thương mại đồng thời mở ra cơ hội đàm phán để giảm căng thẳng thương mại toàn cầu.

Động thái này không chỉ mang lại sự “thở phào” tạm thời mà còn tạo ra những tác động đáng kể đến thị trường vàng, tỷ giá và lãi suất trong nước.

Trước khi Mỹ công bố hoãn thuế, giá vàng thế giới đã trải qua biến động mạnh. Theo dữ liệu, giá kim loại màu vàng đã tăng 3% trong ngày 9/4 và ghi nhận ngày hoạt động tốt nhất trong nhiều năm nhờ được hỗ trợ bởi dòng tiền đổ vào tìm nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang sau quyết định tăng thuế đối với Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, sau thông báo hoãn thuế, tại phiên sáng nay, giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh có thời điểm lên tới 3.122 USD/ounce, tăng 77 USD so với phiên giao dịch trước đó.

Dù việc hoãn thuế đối ứng là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng bất ổn vẫn còn tồn tại. Các nhà đầu tư có thể không hoàn toàn yên tâm về một thỏa thuận thương mại dài hạn giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc giá vàng tăng mạnh 77 USD trong một ngày cho thấy thị trường vẫn lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, khi những yếu tố như lãi suất của Mỹ, chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn và tình trạng nợ công toàn cầu vẫn còn là mối lo lớn đối với các nhà đầu tư.

Tại Việt Nam, giá vàng thường có sự biến động theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên, mức độ biến động này còn bị chi phối bởi các yếu tố như tỷ giá VND/USD và chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Kịch bản nào cho tỷ giá khi Mỹ vẫn áp thuế đối ứng 46
Hoãn áp thuế trong 90 ngày, tác động đa chiều đến vàng, tỷ giá và lãi suất. 

Tỷ giá USD/VND là một trong những chỉ số nhạy cảm nhất với các chính sách thương mại của Mỹ, đặc biệt khi Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang thị trường này. Trước khi Mỹ hoãn thuế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã cảnh báo về “diễn biến tỷ giá phức tạp” sau tuyên bố áp thuế của Tổng thống Trump, với mức tăng 0,6% ngay ngày đầu tiên. Mức thuế 46% dự kiến áp lên hàng hóa Việt Nam có thể làm giảm kim ngạch xuất khẩu, gây áp lực lên nguồn cung ngoại tệ và đẩy tỷ giá tăng, ước tính khoảng 3%-5% theo phân tích của một số chuyên gia.

Quyết định hoãn thuế trong 90 ngày giúp giảm áp lực tức thì lên tỷ giá. Với mức thuế tạm thời chỉ còn 10%, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thêm thời gian điều chỉnh chiến lược, duy trì dòng ngoại tệ từ Mỹ - nguồn thu chiếm phần lớn trong cán cân thương mại. Điều này hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước ổn định tỷ giá, tránh được tình trạng tăng nóng như 2 phiên 8-9/4.

Cụ thể, tại phiên chiều ngày 8/4, tỷ giá tại Vietcombank niêm yết ở mức 25.750-26.140 đồng, tăng 160 đồng so với mở cửa đầu giờ sáng. Sang đến phiên ngày 9/4, tỷ giá giao dịch từ 25.792-26.182 đồng/USD (mua vào/bán ra), tăng thêm 42 đồng so với chốt phiên trước.

Tuy nhiên, tại phiên sáng 10/4 sau khi thông tin hoãn áp dụng mức thuế quan, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh tới 182 đồng, hiện đang giao dịch ở mức 26.000 đồng/USD.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc tỷ giá VND/USD giảm có thể là dấu hiệu cho thấy sự ổn định tạm thời của nền kinh tế Việt Nam. Sau quyết định hoãn thuế, thị trường tài chính quốc tế phản ứng tích cực, điều này đã làm giảm sự lo lắng của các nhà đầu tư về tình hình thương mại toàn cầu. Khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tạm thời lắng xuống, nhu cầu dự trữ USD tại Việt Nam giảm, khiến tỷ giá giảm nhẹ. Hơn nữa, các số liệu kinh tế trong nước cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang duy trì đà tăng trưởng ổn định, điều này cũng góp phần làm giảm áp lực lên tỷ giá.

Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng nhấn mạnh: “Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để điều hành với liều lượng hợp lý, cân nhắc hài hòa giữa tỷ giá và mục tiêu giảm lãi suất.”

Điều này cho thấy, dù áp lực giảm, Ngân hàng Nhà nước vẫn thận trọng trước nguy cơ biến động từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt nếu Mỹ và Trung Quốc leo thang chiến tranh thương mại.

Các chuyên gia cho rằng trong 90 ngày tới, tỷ giá USD/VND có thể duy trì ổn định quanh mức hiện tại nhưng rủi ro tăng vẫn tiềm ẩn nếu đàm phán với Mỹ không đạt kết quả tích cực hoặc Trung Quốc trả đũa mạnh mẽ, gây biến động dòng vốn toàn cầu.

VND đối diện nguy cơ mất giá 10% trước áp lực thuế quan

Nhận định về diễn biến tỷ giá, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn cầu, nhận định tỷ giá USD/VND sẽ chịu áp lực lớn nếu Mỹ thực thi mức thuế quan lên tới 46% đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm nghiêm trọng của nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu.

Theo ông Hiếu, chỉ trong ba tháng đầu năm 2025, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đã lên tới khoảng 100 tỷ USD. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối hiện chỉ vào khoảng 80 tỷ USD – thấp hơn chuẩn thông lệ quốc tế vốn yêu cầu mức dự trữ tương đương ít nhất ba tháng nhập khẩu. Việc xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn do rào cản thuế quan, từ đó tạo áp lực gia tăng lên tỷ giá.

“Trong kịch bản bất lợi, nếu mức thuế 46% được giữ nguyên, tỷ giá USD/VND có thể tăng tới 10% trong năm nay",  TS. Hiếu nhấn mạnh.

"Tuy nhiên, mức thuế 46% hiện vẫn đang trong quá trình đàm phán. Do đó, chưa thể đưa ra một dự báo cụ thể về mức độ biến động tỷ giá trong năm 2025 cho đến khi Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận cuối cùng về thuế quan", ông nói thêm.

Kịch bản nào cho tỷ giá khi Mỹ vẫn áp thuế đối ứng 46

Đồng quan điểm, báo cáo của Ngân hàng UOB cho rằng chính sách thuế quan sẽ khiến hàng hóa Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh tại Mỹ. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay và tiếp tục tạo sức ép lên tỷ giá. 

Các chuyên gia UOB duy trì quan điểm đồng VND sẽ tiếp tục yếu đi, với dự báo cập nhật mới về tỷ giá USD/VND sẽ ở mốc 26.500 VND/USD trong quý II/2025, 27.200 VND/USD trong quý III/2025, 26.800 VND/USD trong quý IV/2025, 26.500 VND/USD trong quý I/2026.

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá và cũng chưa có quyết định cuối cùng về mức thuế quan lên hàng hóa Việt Nam, lãi suất điều hành dự kiến sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hỗ trợ tăng trưởng.

Giới chuyên gia nhận định áp lực tỷ giá chủ yếu đến từ khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì hoặc hạ mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước.

Trên thực tế, NHNN đã duy trì mức lãi suất cơ bản trên thị trường mở (OMO) ở mức 4% trong các kỳ gần đây, trong khi lãi suất tái cấp vốn được giữ ở mức 4,5%, phản ánh mức lạm phát được kiểm soát và sự ổn định trong lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.

Theo số liệu từ NHNN, tính đến hết quý I/2025, mặt bằng lãi suất huy động mới gần như không thay đổi chỉ tăng 0,08%, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024 cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ UOB, nếu tình hình kinh tế và thị trường lao động tiếp tục xấu đi, NHNN có thể hạ lãi suất về mức thấp như thời kỳ COVID-19, tức 4%, thậm chí xuống 3,5%. Kịch bản này sẽ phụ thuộc vào sự ổn định của thị trường ngoại hối và động thái cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Ở góc nhìn chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết cho đến nay NHNN chưa công bố chính thức phương án ứng phó, tuy nhiên nhà điều hành có nhiều công cụ chính sách có thể sử dụng trong trường hợp nguồn thu ngoại tệ suy giảm. 

"Thứ nhất, là phát hành tín phiếu để hút bớt tiền ra khỏi lưu thông, từ đó giảm cung tiền và giảm áp lực lên tỷ giá. Thứ hai, là tăng cường dự trữ ngoại hối thông qua các kênh như vay mượn quốc tế hoặc thu hút kiều hối. Thứ ba, là điều chỉnh lãi suất điều hành theo hướng tăng nhẹ nhằm thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ, qua đó hạn chế dòng vốn chảy ra ngoài", ông cho hay. 

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nhấn mạnh rằng, mức thuế 46% là mức thuế chưa từng có trong lịch sử quan hệ thương mại Việt – Mỹ. Đây là thách thức rất lớn và NHNN có thể cần đến những biện pháp mang tính đặc biệt hơn nếu muốn giữ ổn định vĩ mô. 

Nguồn: https://baodaknong.vn/kich-ban-nao-cho-ty-gia-khi-my-van-ap-thue-doi-ung-46-249191.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4
36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4
Việt Nam không những..., mà còn...!
Victory - Bond in Vietnam: Khi âm nhạc đỉnh cao hòa quyện với kỳ quan thiên nhiên thế giới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm