Tọa đàm “Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập tại TP.HCM” do Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng nay, 9.10 thu hút nhiều ý kiến tham luận đáng chú ý của các địa phương, đoàn thể, đơn vị tại TP.HCM.
Không để gánh nặng học phí ngăn bước sinh viên
Ông Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết trong bối cảnh hiện nay nhiều trường đại học có học phí rất cao, điều này khiến nhiều em khó tiếp cận với giáo dục, câu chuyện này đặt ra vấn đề làm sao phải có bệ đỡ, giúp các em được học lên cao, có cơ hội nghề nghiệp cao. Làm sao để học phí không trở thành rào cản để ngăn các em bước tới giảng đường.
Ông Trần Nam cho hay tại Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM hiện nay có 20% là sinh viên ở TP.HCM còn 80% các em đến từ các tỉnh thành khác. Sinh viên là con em người làm nông rất nhiều, điều này đặt ra cho nhà trường bài toán, cần có những giải pháp không thể để các em khó khăn phải nghỉ học.
Ông Trần Nam thông tin các ngành học tại trường giữ mức học phí từ 14.300.000 đồng – 29.800.000 đồng/năm; mỗi học kỳ thì sinh viên chỉ phải đóng từ 7 triệu tới gần 15 triệu đồng. Trong bối cảnh áp lực thi trường, nguồn thu, tự chủ đại học, thì Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM vẫn giữ nhiều ngành đào tạo với mức đóng học phí khoảng 14 triệu đồng/năm. Với mức đóng này sẽ tạo điều kiện cho các sinh viên, các gia đình đều có thể tiếp cận được, giúp cho con em mình có thể đi học, bởi là trường đại học công lập, nhà trường có những sứ mệnh, mục tiêu là phụng sự xã hội, phụng sự cộng đồng.
“Mỗi năm nhà trường trao khoảng 27 tỉ đồng học bổng hỗ trợ cho sinh viên, các nguồn học bổng đa dạng từ cựu sinh viên, từ doanh nghiệp, học bổng hỗ trợ học phí từ trường…”, ông Trần Nam cho biết.
Bên cạnh đó theo ông Trần Nam, việc khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời cũng thể hiện ở việc luôn chú trọng đào tạo theo nhu cầu xã hội, vì xã hội. Các đơn vị của nhà trường tổ chức nhiều khóa đào tạo cấp bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cũng như chứng chỉ ngắn hạn liên tục trong năm. Nhà trường còn có chương trình đào tạo từ xa qua mạng, để tạo điều kiện cho người học, các thầy cô giáo học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao trình độ…
Các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”… phát triển tại các địa phương
Thời gian qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập tại TP.HCM đạt được một số kết quả đáng chú ý.
Như tại Q.4, đến nay, 100% phường, khu phố, các trường tiểu học, THCS, THPT, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn quận, phường đều xây dựng chi hội khuyến học. Quận có 13 hội khuyến học phường; 185 chi hội khuyến học (78 chi hội khu dân cư; 39 chi hội trường học; 28 chi hội lực lượng vũ trang; 40 chi hội khác).
Việc thông tin, truyền thông và tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đa dạng bằng nhiều hình thức.
Tại H.Củ Chi, đến nay toàn huyện có 21 hội khuyến học xã, thị trấn, 9 chi hội khuyến học cơ sở; 419 chi hội khuyến học trực thuộc cơ sở, trong đó có 305 chi hội khuyến học ấp, khu phố và 114 chi hội khuyến học trường học. Toàn huyện có 98.022 hội viên khuyến học, đạt tỷ lệ 22,97%/tổng số dân.
Các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và mô hình “Công dân học tập” được nhân rộng.
Đặc biệt, H.Củ Chi đang hình thành, xây dựng mô hình câu lạc bộ “Cha mẹ tinh thần” thu hút người lớn nhận đỡ đầu, chăm lo, động viên học sinh nghèo, cơ nhỡ, mồ côi, để các em có niềm tin, động lực tiếp tục đến trường.
Còn tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) từ năm 2019 – 2023, địa phương này và các phường đã trao 42.829 suất học bổng khuyến học, khuyến tài với số tiền 55,919 tỉ đồng, trong đó trao học bổng khuyến tài (1&1) có 2.529 suất với số tiền 5,493 tỉ đồng; Hội khuyến học các cấp đã vận động hội viên thực hiện nuôi 800.105 heo đất khuyến học với tổng số tiền là 301,045 tỉ đồng.
Ngoài ra, các chi hội, tổ hội, gia đình hội viên đã nuôi 7.591 con heo đất mỗi năm hoặc lập sổ tiết kiệm dành cho học tập, với số tiền hơn 22.738.565 đồng ủng hộ cho quỹ khuyến học để trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, học sinh khuyết tật, con em gia đình thương binh, chính sách khó khăn…
“Công tác khuyến học, khuyến tài phải phát triển cao hơn, rộng hơn”
Ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết khi TP.HCM chính thức được công nhận là thành viên Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO (tháng 2.2024) thì đây cũng là một dấu mốc để đẩy mạnh công tác khuyến học khuyến tài của thành phố được phát triển hơn nữa. Công tác khuyến học, khuyến tài phải phát triển cao hơn, rộng hơn. Đây cũng là công việc, trách nhiệm, vai trò của cả hệ thống chính trị, các cấp đoàn thể, chứ không chỉ riêng trách nhiệm của ngành giáo dục đào tạo, lao động – thương binh và xã hội hay khuyến học.
Ông Sơn cũng mong các cơ quan, đơn vị, các hội khuyến học ở các cấp trong thời gian tới tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đạt được, khắc phục những khó khăn trong công tác khuyến học, khuyến tài, chú trọng hiện đại hóa, số hóa một số nội dung để theo kịp một số đối tượng, làm sao tiếp cận nhanh nhất với người học. Đồng thời, cần tiếp tục gắn công tác khuyến học với hệ thống trường học, đặc biệt cũng cần chú trọng tới công tác thông tin, truyền thông.
Ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, ở góc độ đất nước nói chung, TP.HCM nói riêng, nếu muốn phát triển kinh tế xã hội bền vững không thể bỏ qua công tác giáo dục đào tạo, khuyến học khuyến tài. Có những ngành nghề trực tiếp mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng cũng có những ngành gián tiếp rất quan trọng, không có thì sẽ không mang lại sức mạnh, đó là giáo dục đào tạo, dạy nghề, khuyến học khuyến tài – nếu không có, thì không đào tạo ra con người, ra nhân tài. Do đó, đẩy mạnh đầu tư cho cho giáo dục đào tạo, do dạy nghề, cho khuyến học khuyến tài cũng là đầu tư cho phát triển thành phố và phát triển đất nước.
Nguồn: https://thanhnien.vn/phat-trien-kinh-te-ben-vung-nho-giao-duc-va-khuyen-hoc-tai-tphcm-185241009124859895.htm