TP. Hạ Long luôn xác định, muốn phát triển giáo dục-đào tạo phải xuất phát từ đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng dạy học…
Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến phát biểu tại hội thảo. (Nguồn: Ban Tuyên giáo Hạ Long) |
Mới đây, Thành ủy Hạ Long đã tổ chức Hội thảo “Phát triển giáo dục Hạ Long trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến khẳng định: Thành phố Hạ Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Ninh, vì thế thành phố luôn xác định muốn phát triển giáo dục-đào tạo phải xuất phát từ đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục – đào tạo và cơ sở vật chất, thi đua dạy tốt, học tốt góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng ngay từ bậc phổ thông, tạo nền tảng, nguồn nhân lực chất lượng cao, trí tuệ, văn minh, văn hóa, đủ đức, đủ tài cho thành phố, cho tỉnh và đất nước.
Hội thảo khoa học hôm nay là một hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng nhằm quán triệt sâu sắc và là một bước cụ thể hoá các chủ trương của Đảng trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, một nhân tố quan trọng để thành phố cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Những năm qua, công tác giáo dục và đào tạo của thành phố được đặc biệt quan tâm. Hằng năm, thành phố thực hiện rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, điểm trường, nhóm, lớp học để bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại.
Rà soát, quy hoạch và bố trí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phù hợp với vị trí việc làm; tập trung đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục phổ thông 2018; chú trọng giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống, các vấn đề về xã hội. Duy trì và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục. (Nguồn: Ban Tuyên giáo Hạ Long) |
Năm 2024, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 100%. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; tăng cường môi trường học tập, sử dụng ngoại ngữ, tin học; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, đặc biệt là học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế. Thành phố luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng và số lượng học sinh giỏi các cấp,…
Đến hết tháng 6/2024, trên địa bàn thành phố có 69 trường đạt chuẩn quốc gia; 94,6% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo; 28,8 % giáo viên có trình độ đạt Hiện nay, toàn thành phố có 117 trường học, gần 100.000 học sinh.
Ngoài ra, trên địa bàn còn có 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên Hạ Long, 1 Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh; 165 nhóm lớp mầm non độc lập tư thục; có 5 trường cao đẳng nghề có học sinh thành phố học kết hợp.
Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền giáo dục hiện đại và trở thành điểm sáng giáo dục trong kỷ nguyên mới, ngành giáo dục Hạ Long cần tiếp tục thúc đẩy các giải pháp toàn diện.
Đó là việc điều chỉnh quy hoạch trường học theo hướng hiện đại, phù hợp với sự phát triển của thành phố; mở rộng kết nối với các trường đại học uy tín trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng và năng lực của đội ngũ giáo viên; và đẩy mạnh đổi mới quản trị giáo dục để thích ứng linh hoạt với chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Hạ Long cần xây dựng hệ thống phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, đồng thời thực hiện các chính sách miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách và người dân khó khăn, tạo cơ hội học tập công bằng cho mọi người.
Nhằm gợi mở cho giáo dục Hạ Long tiếp cận với đổi mới sáng tạo Xanh, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Hữu Đức khẳng định, giáo dục xanh, hay giáo dục phát triển bền vững, ngày càng được quan tâm trên toàn cầu; là bước phát triển vượt bậc trong hệ thống giáo dục, không chỉ trang bị kiến thức mà còn đào tạo người học thành những công dân toàn cầu có trách nhiệm, sẵn sàng đóng góp cho xã hội và hành tinh.
Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng một thế hệ mới có tư duy bền vững, sáng tạo, và hòa nhập với thế giới. Việc kết hợp xu thế giáo dục xanh và giáo dục đổi mới sáng tạo, Việt Nam nói chung và Hạ Long nói riêng cần phát triển theo xu thế tích hợp-Giáo dục đổi mới sáng tạo xanh. Đó vừa là mục tiêu, đồng thời là phương thức để giáo dục đào tạo thực hiện được sứ mạng trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Hội thảo cũng được nghe những chia sẻ, ý kiến, ý tưởng, kinh nghiệm trong quản lý giáo dục, đào tạo của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đặc biệt là các ý kiến của các chuyên gia Đại học Quốc gia Hà Nội về các giải pháp phát triển giáo dục Hạ Long trong Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các chuyên gia đóng góp ý kiến tại hội thảo. (Ảnh: Ban Tuyên giáo Hạ Long) |
Các ý kiến tham luận tại, thảo luận hội thảo cũng thống nhất đánh giá tổng kết thực tiễn, phân tích sâu sắc để làm rõ thêm những thành tựu đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm và kiến nghị, đề xuất các định hướng, mục tiêu, giải pháp quan trọng trong việc phát triển giáo dục của thành phố Hạ Long.
Thông qua hội thảo nhằm đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến sự phát triển của giáo dục của thành phố Hạ Long, nhất là nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế cần khắc phục; đề xuất, hiến kế các ý tưởng có tính chất mở đường, đột phá để phát triển giáo dục Hạ Long trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và hệ thống chính trị về tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục, quyết tâm thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thành phố Hạ Long sẽ hoàn thành hồ sơ đăng ký tham gia mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO.