Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – phát triển kinh tế Vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được kỳ vọng là cơ hội tập hợp những phân tích, báo cáo, nhận định chuyên sâu, đa chiều, đánh giá khách quan về toàn cảnh bức tranh tình hình phát triển hạ tầng kỹ thuật và kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; nêu lên thực trạng, những thách thức cũng như cơ hội khu vực này để góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế vùng và kết nối giữa khu vực với toàn bộ các tỉnh phía Nam.
Nội dung chính Diễn đàn với 04 chuyên đề chính gồm: (1) Thực trạng phát triển Hạ tầng kỹ thuật và kinh tế Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; (2) Tiềm năng, cơ hội; (3)Thách thức phát triển (4) Động lực mới phát triển Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia đặt ra vấn đề, nêu thực trạng, khó khăn, đề ra giải pháp để xây dựng hạ tầng Vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển kinh tế.
Cần năng lực tư duy mới, cách tiếp cận phát triển mới
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, cho rằngvùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối diện với những bất lợi như: Nguồn nước phù sa đang suy giảm, ô nhiễm, bất thường; hạ tầng kết nối không đồng bộ, kém phát triển, khó liên kết (nội vùng và liên vùng); điều kiện phát triển công nghiệp – đô thị ít thuận lợi, nền đất yếu, khoáng sản ít, khó làm thủy điện… Để phát triển bền vững, vùng cần những năng lực tư duy mới, cách tiếp cận phát triển mới.
Xây dựng hạ tầng cần tính đến bảo tồn để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, xứng tầm. Cần tầm nhìn dựa trên hai giải pháp chiến lược chính: Quản lý thách thức và tạo giá trị. Phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững; hình thành các hành lang kinh tế và chuỗi đô thị động lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn tài nguyên, hệ sinh thái…
Cho rằng việc phát triển hệ thống hạ tầng đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải đối mặt với một số thách thức trong thời gian tới, ông Tạ Quang Vinh – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng)đề xuất, để phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiệu quả hơn, trước hết, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, phù hợp với thông hệ quốc tế.
Các bộ, ngành và địa phương cần tổ chức quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, chú ý nâng cao chất lượng nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm tính đồng bộ chung của hệ thống hạ tầng vùng, liên vùng và hạ tầng các đô thị…
Cần đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trong đó tập trung vào kết cấu hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải. Đồng thời, thực hiện các giải pháp trữ nước, bảo vệ nguồn nước, đảm bảo an toàn nước sạch trong vùng.
Đề cập đến ngập lụt đô thị như một trong những thách thức các đô thị đối mặt là, TS. Patric Rolf Schlager – Trưởng nhóm đô thị và hạ tầng (Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Tổ chức Hợp tác phát triển Đức – GIZ) đánh giá, tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tổn thất kinh tế do ngập lụt là 60 triệu USD. Nguyên nhân được vị chuyên gia này chỉ ra là: Tốc độ phát triển đô thị nhanh, thiếu kiểm soát làm hạn chế sự thẩm thấu nước. Hệ thống thoát nước công suất không đủ lớn, hạ tầng thoát nước chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu. Sụt lún đất ở đô thị rất cao do khai thác nước ngầm, trung bình khoảng 1 cm/năm. Quản lý lưu vực sông thiếu sự điều phối, khai thác cát quá mức khiến sụt lún đất tăng, dẫn đến ngập lụt và sạt lở khu vực đô thị tăng…
TS. Schlager đề xuất ứng dụng mô hình thành phố bọt biển với hệ thống thoát nước mưa theo hướng bền vững, mô phỏng tuần hoàn nước một cách tự nhiên nhất. Thời gian qua, GIZ đã hợp tác cùng Bộ Xây dựng hỗ trợ xây dựng hệ thống thoát nước đô thị cho TP.Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau và đang nhân rộng ra các tỉnh thành khác trong vùng.
TS. Schlager lưu ý các địa phương cần quy hoạch tỉnh theo quy hoạch vùng, đồng thời lồng ghép phòng chống thiên tai trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. GIZ sẽ hỗ trợ các tỉnh xây dựng Đề án chống ngập đô thị; quy định quản lý thoát nước địa phương; lộ trình giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải; thí điểm hệ thống thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững…
Huy động vốn ngoài ngân sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng
Tham dự Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – Tiền tệ Quốc gia; Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, đề cập đến vấn đề huy động vốn cho phát triển.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2021 – 2025, được ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công của Nhà nước 90 nghìn tỷ đồng, với 11 dự án thành phần. Nhưng nguồn vốn này cũng chỉ đáp ứng được 49% tổng vốn đầu tư.
Với nhận định việc huy động vốn ngoài ngân sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng vô cùng quan trọng, rất cần quan tâm giải quyết, TS. Cần Văn Lực đề xuất một số giải pháp.
Thứ nhất, cần đẩy nhanh hoàn thành các quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.
Thứ hai, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA.
Thứ ba, cần cơ cấu lại, phát huy vai trò của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Đây phải là ngân hàng chủ lực trong đầu tư phát triển chủ lực phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời phải hình thành quỹ (hoặc ngân hàng xanh, hoặc ngân hàng bán buôn) là đầu mối dẫn dắt đất nước tiếp cận nguồn lực tài chính xanh.
Thứ tư, tháo gỡ vướng mắc trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng hơn đối với các tổ chức cho vay; Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình, trái phiếu chính quyền địa phương.
Thứ năm, nâng cao chất lượng, năng lực thẩm định, thi công và quản lý các dự án, không để xảy ra việc đội vốn quá nhiều, chậm tiến độ quá lâu hay đề xuất mức doanh thu kỳ vọng quá cao.
Thứ sáu, đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là liên kết hạ tầng giao thông, du lịch, y tế, giáo dục…
Thứ bảy, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cần thống nhất chính sách về việc cho phép nhà đầu tư, các tổ chức cho vay nước ngoài được nhận tài sản thế chấp, được mua nhà ở, tài sản trên đất. Để bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia, có thể nhận thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở và bất động sản khác thông qua ủy thác bên thứ ba tại Việt Nam…
Giải bài toán nguyên vật liệu
Ông Ngô Hoàng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Nhằm tháo gỡ nút thắt hạ tầng giao thông cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều dự án giao thông quy mô lớn đã và đang được khởi động tại khu vực này. Do đó, nhu cầu vật liệu cát san lấp rất lớn (khoảng 54 triệu m3), chủ yếu tập trung trong năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, trữ lượng cát san lấp hiện tại chỉ còn khoảng 37 triệu m3, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu.
Để bảo đảm cung cấp đủ vật liệu san lấp nền đường cho các công trình khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Ngô Hoàng Nguyên đề xuất các giải pháp: Cần đơn giản hoá các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp, nâng cao công suất các mỏ cát đang khai thác; cấp lại giấy phép khai thác các mỏ đã hết hạn; đưa vào hoạt động các mỏ mới phục vụ riêng cho các dự án cao tốc trên cơ sở quan trắc, giám sát chặt chẽ về môi trường, nguy cơ sạt lở theo đúng quy định của pháp luật.
Tìm các giải pháp thiết kế các dự án giao thông đường bộ, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, xem xét phương án thiết kế cao độ tuyến phù hợp (hoặc thay thế bằng cầu cạn) để giảm khối lượng vật liệu san lấp và tác động đến dòng chảy tiêu thoát lũ hoặc tạo thành vùng úng, ngập khi có mưa, triều cường.
Ông Nguyên đề nghị các cơ quan chuyên môn về xây dựng tham mưu tỉnh xem xét, nghiên cứu việc sử dụng vật liệu thay thế như: cát nghiền từ đá, tro xỉ…để cung ứng cho các dự án đường cao tốc và các công trình dân dụng. Trên thực tế, tại đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc dự án thành phần Hậu Giang – Cà Mau đã thí nghiệm sử dụng cát biển triển khai ngoài hiện trường. Bên cạnh đó, các địa phương có thể nghiên cứu thí điểm phối trộn cát biển, cát nhiễm mặn cùng với vật liệu xây dựng địa phương sẵn có như: Vôi, xi măng, tro từ trấu, tro xỉ từ nhiệt điện Duyên Hải… dùng thử trong san lấp mặt bằng giao thông nông thôn… nhằm tìm nguồn nguyên liệu chủ động, giảm phụ thuộc cát sông về lâu dài. Nghiên cứu đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn kỹ thuật để có phương án sử dụng các mỏ đất làm vật liệu san lấp nền đường.
Đề nghị các địa phương đánh giá thứ tự ưu tiên thực hiện triển khai dự án trong toàn Vùng là cần thiết để căn cứ cung ứng các nguồn lực, vật liệu… đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.