DNVN – Việt Nam có cơ hội phát triển công nghiệp, năng lượng phát thải carbon thấp nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức bởi nhiều nguyên nhân.
Nhiều thách thức
Việt Nam có tốc độ phát thải nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với cường độ carbon đạt 502,1 triệu tấn CO2 quy đổi vào năm 2020 và 888,8 triệu tấn CO2 vào năm 2030, tăng 51% so với giai đoạn 2004-2014.
Việt Nam đã và đang nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế để đạt một mục tiêu khí hậu chung, hướng đến nền kinh tế carbon thấp và không thải ra khí carbon. Đây được xem là giải pháp tối ưu nhất để phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường.
Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước với quyết tâm thực hiện cam kết về mục tiêu Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tại hội thảo “Phát triển công nghiệp, năng lượng phát thải carbon thấp: Cơ hội và thách thức” ngày 8/5 tại Hà Nội, ông Ngô Đức Thanh – Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp quy liên quan đến sản xuất sạch hơn nhằm bảo vệ môi trường và hướng tới tăng trưởng xanh trong lĩnh vực công nghiệp. Đây là cơ hội để Việt Nam phát triển công nghiệp, năng lượng phát thải carbon thấp.
Tuy vậy, Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức bởi nhiều nguyên nhân. Mô hình tiêu dùng và sản xuất của Việt Nam còn thâm dụng năng lượng cao và tạo nhiều chất thải không được tái chế – tái sử dụng.
Tiêu dùng và sản xuất của Việt Nam còn thâm dụng năng lượng cao, tạo nhiều chất thải không được tái chế – tái sử dụng.
Nền kinh tế Việt Nam có cường độ sử dụng điện cao, cao hơn cả Trung Quốc và cao gấp đôi Thái Lan. Năng lực về vốn, phát triển công nghệ và sản xuất thiết bị tại nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.
Còn thiếu các chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia và chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm, hàng hóa carbon thấp, hàng hóa ngành công nghiệp môi trường.
Nhận thức, nguồn nhân lực và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp còn yếu trong việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên…
Trong khi đó, EU và các nước ban hành nhiều quy định về phát triển bền vững, giảm phát thải CO2. Việc EU đưa ra thỏa thuận xanh châu Âu (EGD), cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)… cùng những quy định khác tác động tới nhiều ngành hàng của Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thanh Ngân – Phó trưởng ban Đầu tư và Phát triển thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), giảm phát thải khí nhà kính là xu thế chung toàn cầu không thể đảo ngược. Các chính sách về kiểm soát phát thải khí nhà kính ngày càng chặt chẽ, ràng buộc đến từng doanh nghiệp. Cơ chế hạn ngạch phát thải sớm được thực hiện tại Việt Nam.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon sẽ tác động lên nhiều ngành công nghiệp phát thải khí nhà kính lớn. Hàng hóa có dấu vết carbon càng thấp thì càng có lợi thế cạnh tranh.
Cần chính sách hỗ trợ tín dụng, ưu đãi thuế
Trước những thách thức này, ông Ngô Đức Thanh cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tín dụng, ưu đãi thuế khuyến khích các doanh nghiệp ngành công nghiệp môi trường, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ trong sản xuất phát thải carbon thấp, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng…
Có chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghệ, thiết bị ngành công nghiệp môi trường, giảm phát thải carbon. Hạn chế thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng.
Áp dụng, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, sinh thái trong các khu, cụm công nghiệp. Tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp, có giải pháp chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.
Với doanh nghiệp, chuyên gia khuyến nghị cần thay đổi nguyên liệu và quy trình sản xuất. Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Phát triển và áp dụng công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon; đầu tư, áp dung công nghệ mới giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn trong sản xuất…
“Có nhiều giải pháp hiệu quả để giảm phát thải CO2 trong ngành công nghiệp. Doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp phù hợp với đặc thù ngành nghề và điều kiện thực tế của mình. Việc giảm phát thải CO2 không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp”, ông Thanh nhấn mạnh.
Chia sẻ giải pháp nhằm giảm phát thải trong ngành dệt may, bà Nguyễn Thanh Ngân khuyến nghị, các doanh nghiệp cần tăng cường sử dụng năng lượng sạch như điện gió, mặt trời, sinh khối, hydrogen, ammonia xanh. Áp dụng các giải pháp và công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng. Tuân thủ quy định về kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, cần áp dụng kinh tế tuần hoàn, giảm sử dụng nguyên nhiên vật liệu, giảm chất thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước. Nỗ lực giảm dấu vết carbon theo chuỗi cung ứng.
Đề cập đến vấn đề giảm nhẹ phát thải trong làm mát các đô thị tại Việt Nam, TS Trịnh Quốc Dũng – Khoa Năng lượng Nhiệt, Trường Cơ khí Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, quá trình đô thị hóa nhanh dẫn tới những thách thức về điều kiện và môi trường sống của cư dân, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Tình trạng đảo nhiệt đô thị, nắng nóng và sóng nhiệt xuất hiện ngày càng thường xuyên.
Làm mát đô thị là cách tiếp cận tổng thể và tích hợp giữa phân tích và đánh giá trong qui hoạch thiết kế đô thị, kiến trúc và cảnh quan đô thị.
Do đó, cần đưa ra các giải pháp làm mát bền vững và giải pháp dựa vào tự nhiên cho khu đô thị và trong các tòa nhà. Xây dựng các mô hình dự án thí điểm về làm mát bền vững tại địa phương.
Đồng thời, lồng ghép làm mát bền vững trong các văn bản chính sách cũng như đề xuất cơ chế tài chính tiềm năng hỗ trợ các dự án làm mát bền vững tại Việt Nam.
Minh Thu
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/phat-trien-cong-nghiep-nang-luong-phat-thai-carbon-thap-doi-dien-nhieu-thach-thuc/20240508043346785