Hệ thống giám sát phát thải khí METHANE trên đồng ruộng vụ lúa thu - đông năm 2024 của HTX Nông nghiệp Phát Tài, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành của mô hình thực hiện thí điểm Đề án.
Huyện Châu Thành có diện tích đất nông nghiệp 22.096ha, trong đó, đất trồng lúa gần 16.136ha; diện tích lúa gieo trồng cả năm 41.501ha, với sản lượng lúa hơn 234.625 tấn/năm. Diện tích sản xuất lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ 883ha, với 708 hộ tham gia sản xuất trên địa bàn 07/14 xã, thị trấn. Từ đó, tạo nền tảng phát triển bền vững chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.
Kế hoạch số 112/KH-UBND, ngày 24/9/2024 của UBND huyện Châu Thành thực hiện Đề án năm 2024, Ban Chỉ đạo huyện phối hợp các ngành liên quan tiến hành thực hiện thí điểm mô hình bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Trên cơ sở hướng dẫn triển khai của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện triển khai trên địa bàn 13 xã.
Căn cứ tiêu chí Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn huyện có 07 xã đăng ký tham gia thực hiện, gồm: Mỹ Chánh, Lương Hòa A, Thanh Mỹ, Song Lộc, Hưng Mỹ, Phước Hảo và Đa Lộc. Năm 2024, thực hiện 179,4ha; năm 2025, thực hiện 548ha. Năm 2030, dự kiến có 3.669 hộ tham gia thực hiện 2.400ha.
Vụ hè - thu năm 2024, mô hình thí điểm triển khai Đề án tại 02 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, với diện tích 98,4ha, có 94 hộ tham gia. Cụ thể, HTX nông nghiệp Phát Tài, gieo sạ 48,4ha/48 hộ; 60% sạ thưa (lượng giống 80kg/ha) và 30% sạ hàng (lượng giống 70kg/ha), giảm từ 90 - 100kg/ha so ngoài mô hình, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn.
Đối với HTX nông nghiệp Phước Hảo, gieo sạ 50ha/46 hộ, 70% sạ Drone (lượng giống 80kg/ha) và 30% sạ cụm (lượng giống 70kg/ha), giảm 100kg/ha so ngoài mô hình, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ. Cả 02 mô hình đều sử dụng lúa giống cấp xác nhận trở lên. Sử dụng phân bón bình quân 450 - 500kg/ha/vụ. Sử dụng thuốc phòng trị dịch hại bình quân 05 - 07 lần/vụ, thực hiện quản lý ngập - khô xen kẽ, tiến hành rút nước 03 lần/vụ. 100% lượng rơm được thu khỏi đồng. Mô hình được liên kết sản xuất đầu vào đến đầu ra.
Mô hình được quản lý dinh dưỡng theo qui trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 145/QĐ-TT-CLT của Cục Trồng trọt. Trong quản lý dịch hại được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. Thực hiện phương pháp đo đạc MRV được phối hợp Viện Môi trường nông nghiệp thực hiện. Quy trình đo đạc giám sát quản lý nước được áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ. Năng suất lúa sản xuất tại ruộng áp dụng mô hình tăng khoảng 05% so với ruộng sản xuất lúa ngoài mô hình.
Vụ thu - đông 2024, mô hình được nhân rộng ra HTX nông nghiệp - TM&SXDV Châu Hưng, xã Hưng Mỹ thực hiện 81ha/94 hộ. Vụ đông - xuân 2024 - 2025, nhân rộng thêm 02 mô hình trên địa bàn xã Mỹ Chánh do HTX Nông nghiệp Phú Mỹ Châu thực hiện 73ha, có 30 hộ tham gia và xã Phước Hảo do HTX nông nghiệp SXTM&DV Thiện Oanh thực hiện 50ha, có 50 hộ tham gia. Năm 2025, huyện Châu Thành tiếp tục triển khai ở 07 xã: Mỹ Chánh, Lương Hòa A, Thanh Mỹ, Song Lộc, Hưng Mỹ, Phước Hảo và Đa Lộc, với diện tích 548ha.
|
Mô hình giúp nông dân giảm chi phí sản xuất đáng kể: giảm lượng giống sử dụng khoảng 60%; giảm phân bón hóa học 20 - 30% so bên ngoài mô hình; giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật ít nhất 02 lần/vụ. Năng suất đạt 6,4 - 6,6 tấn/ha, tăng 05 - 06%, lợi nhuận tăng thêm 20 - 25% so với ngoài mô hình (tăng 6,22 - 7,63 triệu đồng/ha).
Đặc biệt, giảm lượng khí phát thải 20 - 30% so bên ngoài mô hình, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển theo hướng bền vững. Xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải của huyện Châu Thành nói riêng và của tỉnh Trà Vinh nói chung, góp phần tăng giá trị ngành hàng lúa gạo của tỉnh.
Bài, ảnh: HUẾ NGÂN
Nguồn: https://www.baotravinh.vn/nong-nghiep/phat-trien-ben-vung-chuyen-canh-lua-chat-luong-cao-va-phat-thai-thap-gan-voi-tang-truong-xanh-42792.html
Bình luận (0)