Cơ hội nào cho phát thanh thay đổi và chuyến biến?
Theo Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, 72 % tổ chức báo chí dự kiến đầu tư vào âm thanh trong năm 2023 như là cách mới để thu hút người đăng ký dài hạn và người dùng mới. Thông tin này cũng phù hợp với dữ liệu Beyond Words Audio Engagement Report: 46% người Mỹ nghe nội dung âm thanh hằng ngày vào năm 2022, với tỉ lệ âm thanh đọc nội dung là 51% trong tổng số tỉ lệ nghe âm thanh mỗi ngày. Tỉ lệ này lớn hơn 2% so với tỉ lệ nghe âm thanh, vì thế việc các cơ quan báo chí tập trung vào mảng âm thanh không có gì ngạc nhiên. Đây là bằng chứng cho thấy nhu cầu cho nội dung báo chí âm thanh vẫn là cao.
Bàn luận về vấn đề này, nhà báo Phạm Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết, theo một cuộc điều tra năm 2019, người nghe trên nền tảng podcast toàn cầu là 275 triệu người, đến năm 2022 con số này đã tăng gấp đôi. Trải qua đại dịch Covid-19 cũng đã đưa phát thanh gần hơn với công chúng.
“Hiện nay, báo chí không có vua, không một loại phương tiện truyền thông nào có thể chi phối được công chúng. Thế hệ người xem bản tin thời sự buổi tối sẽ giảm dần. Đó chính là cơ hội cho phát thanh thay đổi và tạo chuyến biến đáng kể”, ông Phạm Mạnh Hùng nhận nhận định.
Song, nhà báo Phạm Mạnh Hùng nhìn nhận, ngoài Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài tiếng nói Nhân dân TP HCM với chủ lực là phát thanh, phần lớn các Đài PTTH địa phương có xu hướng ưu ái đầu tư cho truyền hình, chưa quan tâm đến phát thanh và hiểu được tiềm năng của phát thanh.
“Chúng ta phải thay đổi được nhận thức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đặc biệt là cán bộ làm công tác quản lý báo chí. Nếu nhận thức được xu hướng, nhu cầu tất yếu khách quan, người làm báo sẽ thay đổi tư duy và cách làm nghề cho phù hợp”, Phó Giám đốc VOV cho hay.
Chuyển mình trên môi trường số
Tháng 1/2017, Na Uy trở thành nước đầu tiên trên thế giới chính thức bỏ phát sóng phát thanh qua sóng FM mà chuyển 100% sang công nghệ số. Ngày nay, thính giả đã không còn ngồi xung quanh chiếc Radio để nghe, xem chương trình.
Trả lời câu hỏi, Đài Tiếng nói Việt Nam đã áp dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động xuất bản báo chí thế nào? Nhà báo Phạm Mạnh Hùng cho biết: “Nhiều báo điện tử đã áp dụng AI vào sản xuất nội dung. Vấn đề quan tâm của VOV rộng hơn là áp dụng AI thế nào cho hệ thống dữ liệu rất lớn của các kênh phát thanh, truyền hình. Tức là làm sao hệ thống hóa dữ liệu để tối ưu hóa được kênh phân phối trên các nền tảng. Đây là câu chuyện Đài đang tập trung tìm hướng giải quyết. Nếu hệ thống của mình tốt, bạn đọc có thể tiếp cận rất nhiều dữ liệu liên quan, chứ không chỉ xem một bài báo”.
Nhắc đến VOV không thể nào không nhắc đến kênh thông tin “nối tiếng bậc nhất” của Đài đó là VOV Giao thông – với chu kỳ thành công 15 năm dựa vào khả năng cung cấp một cách tốt nhất thông tin công cộng được phiên bản hóa theo khu vực.
Ông Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông Đài Tiếng nói Việt Nam nhận định, đến thời điểm hiện tại, khi mà công nghệ đã thay đổi và tác động mạnh đến nhu cầu cũng như thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng thì VOV Giao thông buộc phải nhanh chóng thích ứng để tạo ra một chu kỳ thành công mới.
VOV bổ sung phương thức phân phối nội dung audio trên nền tảng số. Phân loại nội dung công cộng và cá nhân kèm theo hình thức tạo doanh thu khác nhau, đó là nội dung công cộng miễn phí có quảng cáo và nội dung cá nhân hóa theo nhu cầu và vị trí của người dùng không nghe quảng cáo và thu phí. Đầu tư nghiên cứu đổi mới các format nội dung phù hợp với nền tảng phân phối mới. Đầu tư đào tạo nhân lực phù hợp với phương thức sản xuất và phân phối chương trình mới. Đẩy mạnh ứng dụng AI trong quá trình sản xuất, phân loại và phân phối nội dung.
“Cách mạng số về bản chất là cuộc cách mạng về phương thức sản xuất và phân phối sản phẩm, vì thế, cách duy nhất để sống sót và hưởng lợi trong cuộc cách mạng này, các nhà sản xuất nội dung chỉ có một con đường là nhanh chóng hòa mình vào làn sóng cách mạng đó, chuyển đổi sớm phương thức sản xuất và phân phối nội dung theo hướng ứng dụng tối đa các thành quả mà cuộc cách mạng đó mang tới”, ông Phạm Trung Tuyến nhấn mạnh.
Nội dung số – Truyền tải số – Tương tác số
Để phát thanh thích ứng với kỷ nguyên số, ông Đồng Mạnh Hùng – Trưởng ban Ban Thư ký biên tập VOV cho rằng, điều này dựa trên 3 trụ cột chính đó là: Nội dung số – Truyền tải số – Tương tác số.
Ông Đồng Mạnh Hùng phân tích, các Đài PTTH cần đặt mình vào vị trí của thính giả và gặp họ trong không gian của họ, tức là trong các chương trình mà khán, thính giả cảm thấy phù hợp và yêu thích. Hiểu rõ thính giả của mình và phục vụ họ, chứ không cố gắng thu hút tất cả mọi người mới là hướng đi đúng đắn cho các Đài PTTH trong kỷ nguyên số. Yếu tố con người là vấn đề trung tâm trong phát triển nội dung số, từ những phóng viên, biên tập viên, đến thính giả, mà trong kỷ nguyên số, chính thính giả lại trở thành người sáng tạo nội dung.
Về công tác truyền tải nội dung thông tin, Trưởng ban Ban Thư ký biên tập VOV nhận định, trong bối cảnh thời đại công nghiệp hóa khiến nhịp sống trở nên hối hả hơn, vì thế, các Đài PTTH cần có mặt ở khắp mọi nơi, tận dụng mọi không gian phù hợp và biến mỗi nền tảng thành trạm phát sóng của mình, và điều quan trọng nhất là phải được thính giả tìm thấy dễ dàng.
“Cùng với đó là những lợi ích khổng lồ như giúp tiết giảm đến 90% chi phí so với các phương thức truyền tải truyền thống, hầu như không có giới hạn về không gian địa lý…, phương thức truyền tải số còn có một lợi thế cực kỳ lớn so với các phương thức truyền tải truyền thống, đó là khán thính giả không còn bị phụ thuộc vào khung chương trình phát sóng real time của các Đài PTTH mà có thể nghe, xem bất kỳ nội dung nào mình thích tại bất kỳ thời điểm nào”, ông Hùng nói.
Và theo ông Đồng Mạnh Hùng, đã qua rồi thời kỳ thông tin được đưa từ các Đài đến thính giả theo một chiều. Tương tác số cho phép thay thế ở mức độ cao hơn và dễ dàng hơn các hình thức tương tác cá nhân – cá nhân, cá nhân – cộng đồng. Vì thế, điều mà khán, thính giả trong kỷ nguyên số cần là họ muốn cảm thấy mình là một phần của câu chuyện đang diễn ra, vì nó đảm bảo sẽ thu hút họ, khuyến khích họ nghe tiếp, nghe lại và tham gia.
“Việc xây dựng một cộng đồng số, bao gồm các thính giả số, tạo điều kiện để cộng đồng này tham gia phát triển nội dung của các chương trình phát thanh, truyền hình sẽ là ý tưởng không tồi để kích hoạt sự tương tác hữu cơ và tạo cuộc trò chuyện với cộng đồng thính giả của các Đài PTTH, mở rộng phạm vi tiếp cận thương hiệu của các Đài”, ông Đồng Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Hoàng Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/phat-thanh-dung-truoc-co-hoi-lon-cho-su-chuyen-minh-voi-noi-dung-so–truyen-tai-so–tuong-tac-so-post310517.html