Không khó để liệt kê lại những “đầu việc” mà báo chí đã làm được trong “cuộc chiến” chống “quốc nạn” tham nhũng và tiêu cực.
Báo chí là diễn đàn có chọn lọc
Đúng với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí là một mặt trận; phóng viên, biên tập viên… là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận đó.
Trong đó, các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, tiền phong, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân; báo chí vừa là tai mắt của Ðảng, vừa là cầu nối giữa Ðảng với Nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, vừa tích cực phê phán hiện tượng tham nhũng, góp phần chỉ ra nguyên nhân và hậu quả xã hội của hiện tượng này.
Nhiều chuyên gia nhận định, mặc dù vẫn còn một số tờ báo, ở một số thời điểm đưa tin liên quan đến tham nhũng, tiêu cực theo kiểu để hút bạn đọc, tuy nhiên đó chỉ là “hiện tượng” chứ không phải là “cái phổ biến”.
Báo chí đang đẩy mạnh tinh thần “phò chính, diệt tà”, vượt qua khó khăn trước ảnh hưởng của mạng xã hội để đứng vững và khẳng định dòng chủ lưu thông tin. Chính báo chí chứ không phải là một phương tiện mạng xã hội nào khác là nguồn “đính chính” và “củng cố lại” sự thật trước những thông tin “thật giả lẫn lộn”, những chuyện “nghe hơi nồi chõ” tràn lan trên mạng xã hội.
Báo chí là diễn đàn có chọn lọc, có tìm hiểu, có điều tra một cách hệ thống, bài bản trước khi đăng tải những ý kiến phản ánh, phản hồi, phê phán các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực từ cơ sở.
Đồng thời, báo chí cũng góp phần công bố những thông tin do người dân cung cấp về những hiện tượng, sự việc có biểu hiện tham nhũng; công bố những thông tin do báo chí tìm hiểu, điều tra phát hiện những hiện tượng có biểu hiện tham nhũng; thông tin kịp thời, chính xác những vụ việc tham nhũng đang được điều tra, xử lý… tích cực góp phần tạo dư luận xã hội để đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, báo chí còn cổ vũ, hình thành, phát triển ý thức phòng, chống tham nhũng; tạo ra các diễn đàn để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, phản ánh những kiến nghị; đề xuất về chính sách, về những quy định pháp luật chưa thật sự phù hợp thực tiễn cuộc sống.
Nhìn thẳng, đánh giá đúng sự thật
Thực tế trong thời gian qua cho thấy, nhiều vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được phát hiện bởi việc điều tra, đưa tin của các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí cũng đi đầu trong việc lên tiếng nhiều vụ “bổ nhiệm thần tốc” gây bức xúc dư luận ở một số ngành, địa phương và nhiều “ung nhọt” trong một số cơ quan công quyền.
Thông qua phát hiện của báo chí, không ít trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy dự án, chạy bằng cấp… đã được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời.
Báo chí còn có công phát hiện, điều tra, phanh phui nhiều dự án đầu tư cả nghìn tỷ đồng chưa đưa vào hoạt động đã thất thoát, gây lãng phí rất lớn tài sản công. Báo chí cũng đã vào cuộc trong tất cả các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực được coi là nhạy cảm như: công an, quốc phòng, xử lý các quan chức…
Báo chí cũng đã thẳng thắn đưa tin về các vụ việc liên quan đến một số cán bộ cao cấp ở các bộ ngành, địa phương. Nhiều tiêu cực trong một bộ phận cán bộ cũng được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời nhờ những thông tin được phát hiện, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ những thông tin công khai, minh bạch trên báo chí đã góp phần giúp cho các cơ quan chức năng có thêm căn cứ, bằng chứng để điều tra, xác minh các vụ việc tham nhũng.
Mặt khác, những thông tin về tham nhũng, tiêu cực trên báo chí là tiếng nói của công luận để tạo ra áp lực dư luận xã hội nhằm thúc đẩy các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề báo chí đã nêu ra. Thực tế, nhiều vụ việc về tham nhũng tưởng như bị chìm vào quên lãng, nhưng đã được đưa ra ánh sáng và xử lý đúng người, đúng tội nhờ có sự đóng góp của báo chí.
Hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang tiếp diễn với tinh thần quyết liệt. Theo các chuyên gia, báo chí vẫn đang tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của mình, người cầm bút có quyền và cả trách nhiệm phê bình với thái độ “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” theo lương tâm của nhà báo chiến sĩ.
Để tạo điều kiện cho báo chí thể hiện đúng vai trò chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tiêu cực, bản thân các cơ quan hành pháp, các bộ, ngành phải công khai, minh bạch trong hoạt động. Khi công khai, minh bạch, báo chí sẽ vào cuộc tham gia phản biện tích cực.
Cùng với đó, về phía báo chí, vấn đề đạo đức nhà báo cũng cần đặt lên hàng đầu. Nhà báo có tâm sáng, quyết đoán, có dũng khí, chắc chắn sẽ hoàn thành tốt những nhiệm vụ đặt ra, phát huy vai trò quan trọng trong chống tiêu cực, trì trệ trong bộ máy.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác thông tin, tuyên truyền có nhiều đổi mới, nhất là phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng. Công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, giúp định hướng tốt dư luận xã hội và cũng thể hiện sự công khai, minh bạch của Đảng, Nhà nước trong xử lý tham nhũng. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng; có nhiều tin, bài về công tác phòng, chống tham nhũng, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta”.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/phat-huy-tinh-xung-kich-trach-nhiem-tien-phong.html