Mặc dù chè Thái Nguyên đã chinh phục biết bao người sành chè trong và ngoài nước nhưng câu chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm này vẫn là điều trăn trở của các nhà quản lý, nhà khoa học những người trong ngành.
Nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia chè Thái Nguyên. (Nguồn: TTXVN) |
Lợi thế “đất chè”
Hiện nay, Thái Nguyên là địa phương có sản lượng, diện tích chè dẫn đầu cả nước. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh có trên 22,2 nghìn ha, trong đó diện tích chè cho sản lượng đạt 20,9 nghìn ha.
Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn VietGAP, hữu cơ nâng cao chất lượng sản phẩm và góp phần trong thúc đẩy việc phát triển nông nghiệp bền vững.
Đến nay, tổng diện tích trồng chè áp dụng thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận đạt 4356,7 ha; cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified 11 ha và sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ đạt 127 ha, trong đó có 65 ha được cấp chứng nhận hữu cơ (5 ha đạt tiêu chuẩn IFOAM và 60 ha đạt tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017)”.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên Phạm Quốc Chính cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho sản phẩm chè đã được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu ÂU (EU) thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); 2 nhãn hiệu chứng nhận là “Chè Phú Lương” và “Chè Võ Nhai”; 9 nhãn hiệu tập thể, gồm: “Chè Thái Nguyên”, “Chè La Bằng”, “Chè Tức Tranh”, “Chè Vô Tranh”, “Chè Trại Cài”, “Chè Đại Từ”, “Chè Phổ Yên”, “PD Phú Đạt GREEN TEA”, “Thanh Tình Hợp tác xã Chè”. Ngoài ra, có 96 nhãn hiệu thông thường của các tổ chức, cá nhân được cấp văn bằng bảo hộ.
Hiện tại, ở Thái Nguyên có 4 vùng trồng chè nổi tiếng là: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài và Khe Cốc, được mệnh danh là “Tứ đại danh trà”. Đây chính là các vùng nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm chè đặc sản nổi tiếng và đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Sản phẩm chè Thái Nguyên được chế biến bằng phương pháp truyền thống bán cơ giới và công nghiệp, đã có mặt trên thị trường 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và một số nước trên thế giới. Giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 1 ha chè đạt 270 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, thị trường trong nước đang là thế mạnh của chè Thái Nguyên, đạt gần 40 nghìn tấn với giá tiêu thụ trong nước luôn cao hơn các vùng chè khác và tương đối ổn định, hiện đang ở mức từ 120-220 nghìn đồng/kg chè thành phẩm loại trung bình; 280 – 450 nghìn đồng/kg chè xanh đặc sản; một số sản phẩm trà cao cấp có giá trị cao đạt từ 1,5 triệu đồng đến trên 5 triệu đồng/kg.
Về xây dựng thương hiệu, đến thời điểm này, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã chính thức được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, gồm Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này khẳng định uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị của chè Thái Nguyên, đồng thời là điều kiện thuận lợi để đưa sản phẩm này đến với thế giới, góp phần nâng cao vị thế của chè Thái Nguyên.
Tuy nhiên, khó khăn của ngành chè Thái Nguyên hiện nay là diện tích chè an toàn, chè hữu cơ rất ít, tỷ lệ chứng nhận chất lượng an toàn VietGAP mới đạt gần 10% tổng diện tích. Ngoài ra, việc liên kết giữa các tác nhân liên quan đến chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành chè chưa chặt chẽ, chủ yếu vẫn là người trồng chè tự chế biến và tiêu thụ, số đơn vị, doanh nghiệp có liên kết với người trồng chè chưa nhiều, chưa tạo được sản lượng lớn sản phẩm chè chế biến chất lượng cao.
Mặc dù được xuất khẩu sang nhiều nước nhưng chủ yếu là chè nguyên liệu với giá bình quân chỉ bằng 60% so với giá bán trên thị trường thế giới, dùng để đấu trộn với các loại chè khác hoặc để chiết xuất.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên Phạm Văn Sỹ, giá trị từ chè mang lại chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng. Nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất chè còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất; sản lượng chè đạt tiêu chuẩn quốc gia về hữu cơ còn thấp. Mặt khác, liên kết tổ chức sản xuất, mẫu mã, bao bì tại một số cơ sở sản xuất còn hạn chế, vẫn còn những cơ sở sản xuất, kinh doanh chè chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng về sử dụng nhãn hàng hóa, nhãn hiệu chè Thái Nguyên.
Nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia chè Thái Nguyên
Xác định xu hướng sử dụng đồ uống, nhu cầu thị trường, cơ hội và để nâng cao giá trị và thương hiệu chè, Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển nông nghiệp; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 139/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với chính sách hỗ trợ về đào tạo, giống, phân bón hữu cơ, sinh học; chứng nhận VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước và thiết bị chế biến chè; hỗ trợ bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu, kết nối quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chè.
Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị để lấy ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ, người tiêu dùng để phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên.
Để phát huy lợi thế, theo các chuyên gia, tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục rà soát quỹ đất để mở rộng diện tích trồng chè; bảo vệ diện tích đã có; tăng cường thâm canh, chăm sóc, mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn, hữu cơ, tăng diện tích sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, đặc biệt đẩy mạnh sản xuất chè vụ đông để mang lại giá trị sản xuất chè cao nhất.
Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người làm chè đăng ký mã số vùng trồng; tăng cường quản lý nhãn hiệu; tích cực liên kết người trồng với các hợp tác xã, giữa các hợp tác xã thống nhất áp dụng quy trình sản xuất tạo ra khối lượng lớn sản phẩm chè đồng đều về chất lượng nhằm nâng cao giá trị của chè, hướng tới xuất khẩu đến các thị trường khó tính.
Tỉnh cũng cần rà soát, lựa chọn vùng chè để xây dựng các mô hình sản xuất chè gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa, ẩm thực nhằm thu hút khách tham quan, mua sắm, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm chè.
Việc xây dựng, phát triển chè Thái Nguyên thành thương hiệu quốc gia sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. (Nguồn: Báo Thái Nguyên) |
Được biết, tỉnh Thái Nguyên xác định hướng đến mục tiêu đầu tư phát triển cây chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.500ha, sản lượng chè búp tươi đạt 273.000 tấn; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng chè đạt 350 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã chè trong tỉnh được tham gia các cuộc hội nghị giao thương, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè. Tăng cường hướng dẫn các thủ tục về sở hữu trí tuệ; thực hiện nội dung hỗ trợ tạo dựng thương hiệu sản phẩm chè. Đặc biệt, triển khai mạnh công tác quản lý sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” đối với sản phẩm chè trên thị trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Tỉnh đã chỉ đạo không chuyển mục đích đất trồng chè sang mục đích khác để bảo vệ diện tích chè đã có; rà soát quỹ đất, nguồn nước, chuẩn bị đầy đủ cây giống, phân bón, phấn đấu đến năm 2025 tăng diện tích chè lên 23.500 ha, trong đó diện tích chè giống mới chiếm 85%; đồng thời triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, mẫu mã, tổ chức sản xuất, chế biến, quảng bá để tăng giá trị đạt bình quân 350 triệu đồng/ha chè/năm”.
Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên tục tham mưu với UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các địa phương về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; tăng cường tập huấn, tuyên truyền để doanh nghiệp, hợp tác xã hiểu hơn về quyền lợi khi đăng ký nhãn hiệu, lợi ích cũng như hiệu quả khi xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực địa phương.
Việc xây dựng, phát triển chè Thái Nguyên thành thương hiệu quốc gia sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu và gia tăng giá trị cho sản phẩm Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị để đa dạng hóa các sản phẩm chè, từ đó đưa ra nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu của mỗi nước.