Sáng 28.12 tại Đường sách TP.HCM đã diễn ra chương trình trò chuyện Hành trình tìm trà – luận bàn về những độc đáo của trà Việt và ra mắt sách Tìm trà của nhà văn – nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn. Tham dự chương trình 2 khách mời là PGS-TS công nghệ thực phẩm Nguyễn Duy Thịnh và Thủy Tiên – một bạn trẻ đam mê tìm hiểu trà đến từ Lâm Đồng, cùng đông đảo độc giả và những người yêu nghệ thuật trà đạo.
Theo nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn: “Việt Nam được biết đến là cái nôi phát triển của cây chè. Chúng ta tự hào về những rừng chè cổ thụ bậc nhất thế giới và gìn giữ tục uống chè tươi độc đáo từ ngàn năm. Cây chè ở mỗi vùng mang đặc trưng của khí hậu và thổ nhưỡng, từ đó cũng hình thành phong tục, tập quán thưởng trà riêng. Hiện nay, nước ta có 34 vùng trồng chè và chế biến trà, lượng trà xuất khẩu đứng thứ 5 thế giới và những câu chuyện về trà luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm”.
Tác phẩm mới nhất Tìm trà (vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành) của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn được tác giả sưu tầm và biên soạn sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, trải nghiệm trà tại nhiều quốc gia, tập hợp những câu chuyện thú vị về trà Việt Nam và thế giới với các góc tiếp cận mới. Trong hành trình tìm về với trà, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn góp nhặt những nét đặc trưng làm nên tên tuổi của trà Việt từ xưa đến nay. Cùng với đó là những câu chuyện kể về các danh trà, phong tục thưởng trà tại nhiều đất nước mà không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm thực tế.
Vì sao có câu “Trà tam rượu tứ”?
Về nguồn gốc của trà Việt Nam, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng: “Cây chè khởi thủy là ở Việt Nam ta, nhiều bằng chứng cho thấy cây chè đã hiện diện ở nước ta từ thời xa xưa – đã có hơn 600 năm trước. Thậm chí người Việt còn thưởng thức uống nước chè trước cả người Trung Quốc và cuối cùng mới là người Nhật Bản, nhưng người Nhật đã biết nâng tầm lên thành đạo trà, rất tuyệt vời.
Còn vì sao có tên gọi là trà? Theo tôi cái gì pha ra nước uống mà bỏ bã đi thì gọi là trà. Tùy từng nơi gọi là uống trà hoặc chè cũng được, nhưng vì sao nói uống chè xanh, mà không ai nói uống trà xanh cả. Đó cũng là điều rất độc đáo trong ngôn ngữ”.
Thủy Tiên – khách mời buổi giao lưu cho biết, ngay từ nhỏ đã mê trà và thích uống trà ké cùng cha mẹ. Giờ lớn lên niềm đam mê với trà Việt ngấm vào máu thịt. “Có những ngày từ 4 giờ 30 sáng, tôi dậy sớm giữa một ngôi nhà trong rừng ngồi pha trà, thấy mình trở thành tỉ phú của thời gian và bỗng nhận ra sự im lặng xung quanh mình. Tôi không còn nghe những thanh âm tất bật, bận rộn của cuộc sống (và kể cả trong đầu) hối hả, réo gọi nữa. Những khoảng lặng ấy, chỉ có khi thưởng thức một mình hoặc cùng thân yêu bên tách trà”, Thủy Tiên bộc bạch.
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ thêm: “Trà đem lại ta sự thanh tâm, tinh thần sảng khoái và tẩy trừ tạp uế trong cơ thể. Nó có 3 tác dụng: giúp người thiền qua đêm không buồn ngủ, giúp cơ thể tiêu hóa, tinh thần minh mẫn và giúp người ta biết kiềm chế, kiểm soát dục tính”.
Còn vì sao gọi là “Trà tam rượu tứ”, tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn lý giải: “Tam tứ thể hiện số người cho một cuộc chơi. Trà uống ba vị là vừa đủ, không gian không náo nhiệt, đủ để thưởng thức trà đạo. Việc tranh luận bất kể thế nào cũng có người ở giữa làm trọng tài. Uống rượu 4 người là số chẵn, khi quá chén nếu bất bình, ba người một pha ép một người thì thấy ngay sự không công bằng, sự việc sẽ dừng lại sớm, còn khi cân bằng mỗi bên sẽ ngang sức nhau, cuộc rượu càng vui…”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dam-luan-ve-nhung-doc-dao-cua-tra-viet-185241228122942147.htm