Định hướng phát triển kinh tế chú trọng công nghệ cao của Việt Nam có nhiều điểm phù hợp với chiến lược định hình chuỗi cung ứng của Mỹ trong khu vực.
Chuyến thăm mới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam được đánh dấu bằng việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Động thái này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế hai nước, trong đó hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một bước đột phá.
Những ưu tiên chung
Tại cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 11-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác về đổi mới, sáng tạo và nền kinh tế công nghệ cao.
Ông Amitendu Palit, nhà nghiên cứu cấp cao về thương mại và kinh tế, Viện kinh tế Nam Á (ĐH Quốc gia Singapore), nhận định định hướng phát triển kinh tế công nghệ cao của Việt Nam có thể nhìn thấy tiềm năng từ chiến lược “friend-shoring” của Mỹ.
Theo đó, chính quyền ông Biden đang nỗ lực định hình lại chuỗi cung ứng khu vực. Washington thậm chí thể hiện mong muốn đưa đầu tư bán dẫn về Mỹ và hướng tới mục tiêu trở thành nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới.
Trong lộ trình đó, Washington đang làm việc với các nước đối tác tin cậy để tìm nguồn cung ứng và các hoạt động khác trong chuỗi cung ứng sản xuất chip, ông Palit nói với Tuổi Trẻ.
Trong những năm qua, dù đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tăng trưởng đều song thực tế tổng giá trị đầu tư vẫn còn khá khiêm tốn nếu so với các đối tác khác của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Singapore.
Theo bà Alicia Garcia Herrero – kinh tế trưởng phụ trách châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Natixis, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ có thể mở đường cho sự thay đổi theo hướng tích cực.
“Các lĩnh vực chủ đạo trong hợp tác kinh tế Việt – Mỹ như ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ xanh có thể nhận được nhiều nguồn vốn từ nước ngoài hơn”, bà phân tích.
Nỗ lực để tận dụng thời cơ
Năng lực sản xuất mà Việt Nam đã phát triển trong suốt 2 – 3 thập niên qua được cho là đang giúp Việt Nam có vị trí tốt để tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn.
Ông Palit cho rằng Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược bảo vệ chuỗi cung ứng sản xuất, bán dẫn vì Việt Nam là một nước sản xuất điện tử, nơi nhu cầu sử dụng chip rất lớn.
Các ngành công nghệ cao như bán dẫn, AI, công nghệ xanh, có thể có nhiều cơ hội hơn với dòng vốn FDI tăng lên sau sự kiện nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ. Chính phủ Việt Namluôn ưu tiên FDI công nghệ cao, dành nhiều ưu đãi và lợi ích hơn cho các doanh nghiệp mảng này.
“Dù vậy, quá trình từ đầu tư cho đến củng cố năng lực sản xuất sẽ cần thời gian, nhất là khi Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều hạn chế trong nước như cơ sở hạ tầng, phát triển chính sách và sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô”, bà Herrero nói với Tuổi Trẻ.
tuoitre.vn