Phát huy giá trị di sản trong lòng thành phố

Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống di sản đa dạng, mang đặc trưng của vùng đô thị sông nước. Nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản luôn được thành phố quan tâm, đầu tư, góp phần mang lại sức sống mới trong việc phát triển văn hóa, du lịch trên địa bàn.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân14/02/2025

Các đại biểu, du khách tham quan không gian trưng bày “Phú Xuân- Gia Định, những dấu ấn lịch sử” tại Bảo tàng thành phố.

hành phố Thủ Đức hiện có 23 di tích được công nhận, xếp hạng, trong đó có bảy di tích xếp hạng cấp quốc gia. Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Thủ Đức cho biết, công tác tu bổ di tích được lãnh đạo thành phố Thủ Đức đặc biệt quan tâm và thực hiện thường xuyên. Thành phố Thủ Đức tập trung khảo sát, đánh giá hiện trạng và có kế hoạch lập dự án đầu tư trùng tu, tu bổ 14 công trình, gồm 10 di tích, hai công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích và hai công trình văn hóa-lịch sử.

Tuy nhiên trước thực trạng một số di tích xuống cấp, thành phố Thủ Đức đã vận động các nhà hảo tâm tài trợ, tiến hành thực hiện các thủ tục, hồ sơ để phục dựng Đình thần An Khánh và tu sửa cấp thiết các di tích Đình Xuân Hiệp, Đình thần Linh Đông, Đình Phong Phú (gồm ba hạng mục Võ ca, Nhà truyền thống và Hầm bí mật), Chùa Phước Tường, Công viên Khu mộ cổ Gò Quéo, mộ Nghị viên địa hạt Đặng Tân Xuân…

Trong khi đó, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Quận 1 cũng đạt những kết quả tích cực. Các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm đúng mức, Ủy ban nhân dân Quận 1 ban hành Kế hoạch về thực hiện Chương trình Bảo tồn và Phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa và Chương trình Số hóa di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn Quận 1 đến năm 2030; Kế hoạch về thực hiện giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn Quận 1 đến năm 2025; Kế hoạch liên tịch về tổ chức, triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn Quận 1 đến năm 2025.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin, Quận 1, cho biết: Quận có 10 câu lạc bộ đờn ca tài tử đang hoạt động tại Trung tâm Văn hóa quận và các phường với hơn 100 người tham gia sinh hoạt, thường xuyên biểu diễn giao lưu tại cơ sở di tích như: Đền Đức thánh Trần Hưng Đạo, Đình Nam Chơn, Đình Nhơn Hòa và trước chợ Bến Thành,...

Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích thành phố tăng cường kiểm kê, lập danh mục kiểm kê đối với các công trình, địa điểm có giá trị lịch sử văn hóa. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 193 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích cấp quốc gia, 133 di tích cấp thành phố.

Thành phố tập trung đầu tư, tu bổ tôn tạo các di tích, đặc biệt ưu tiên các di tích lịch sử trong thời kỳ Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 1975, di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, di tích khảo cổ và các di tích là đình làng. Nếu như trong giai đoạn năm 2020-2022, Nhà nước chỉ cấp khoảng 90 tỷ đồng vốn đầu tư tu bổ, thì đến giai đoạn năm 2023-2024 đã tăng lên khoảng 580 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ đầu tư tu bổ bằng nguồn ngân sách nhà nước năm 2023-2024 so với năm 2020-2022 tăng hơn 600%.

Hiện nay, nhiều di tích trở thành điểm tham quan thú vị đối với du khách trong nước và nước ngoài, một phần nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc làm mới mình của các bảo tàng nhằm thu hút khách du lịch. Nhiều di tích như Trụ sở Hội đồng nhân dân-Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Lăng Lê Văn Duyệt, chợ Bến Thành,… đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đặt chân đến thành phố.

Tại tuần lễ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 vào cuối tháng 12 vừa qua, Sở Du lịch đã chọn khu vực chợ Bến Thành làm điểm để phát động, cũng như tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao. Đây được xem là hoạt động nhằm quảng bá rộng rãi điểm đến độc đáo, mang tính biểu tượng ngay tại trung tâm thành phố. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Dũng, chợ Bến Thành thu hút đông đảo người dân, du khách không chỉ bởi kiến trúc độc đáo mà còn bởi nét văn hóa giao thương sôi động và ẩm thực đặc sắc. Lễ phát động tuần lễ Du lịch thành phố năm 2024 cũng như các hoạt động tại khu vực tiểu đảo trước cổng di tích chợ Bến Thành đã góp phần tôn vinh biểu tượng nổi tiếng này.

Thành phố đang liên kết cùng thành phố Thủ Đức và các quận, huyện trong việc xây dựng những điểm đến sống động, mang đặc trưng riêng của từng vùng để hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, phát huy được lợi thế về văn hóa, lịch sử, địa lý của mỗi quận, huyện. Cùng với đó, thành phố cũng tập trung ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động của bảo tàng, tại các điểm di tích nhằm tạo nên sự sống động, hấp dẫn du khách.

Điều này không chỉ đưa các di sản thành phố đến gần hơn với người dân mà còn góp phần tạo nên sức hút mới trong phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn: https://nhandan.vn/phat-huy-gia-tri-di-san-trong-long-thanh-pho-post859917.html


Bình luận (0)

No data
No data

Lịch sự kiện

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view
Phượng "Singapore": Cô gái Việt gây sốt khi mỗi bữa nấu gần 30 món ăn
Việt Nam tham gia Diễn tập Hải quân đa phương Komodo 2025

No videos available