Các nhà khoa học thần kinh của Đại học Lausanne và Trung tâm về Kỹ thuật sinh học-thần kinh ở Geneva (đều thuộc Thụy Sĩ) đã công bố khám phá về sự tồn tại của tế bào não mới trên chuyên san Nature.
Trước đây giới khoa học cho rằng hệ thần kinh trung ương ở động vật có vú được cấu tạo từ hai dạng tế bào: tế bào thần kinh và tế bào thần kinh đệm.
Trong đó, tế bào thần kinh có nhiệm vụ tiếp nhận và truyền dẫn những tín hiệu điện và hóa học khắp cơ thể, giống như là hệ thống dây dẫn trong mạch điện. Để gửi tín hiệu cho nhau, các tế bào thần kinh sử dụng chất dẫn truyền thần kinh, chẳng hạn như glutamate.
Còn tế bào thần kinh đệm không thực hiện các xung thần kinh, nhưng thay vào đó hỗ trợ và bảo vệ các tế bào thần kinh và dọn dẹp tạp chất trong môi trường xung quanh. Vai trò của chúng chẳng khác nào các thợ điện di động, đảm bảo hệ thống mạch điện trong cơ thể luôn được bảo trì và ở vị trí vốn có.
Bên cạnh đó, não còn có những nhóm phụ với các tế bào cụ thể, chiếm số lượng nhiều nhất trong nhóm tế bào thần kinh đệm là tế bào hình sao. Một trong những vai trò của các tế bào phụ này là bao bọc các điểm tiếp nối giữa những tế bào thần kinh, gọi là khớp thần kinh.
Thế nhưng, liệu các tế bào hình sao này có tự tạo ra chất truyền dẫn thần kinh hay không? Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ sử dụng những công cụ di truyền tối tân nhất để phân tích các gien được bật lên trong những dạng tế bào khác nhau.
“Chúng tôi đã phát hiện một tập hợp phụ của các tế bào được xếp vào nhóm hình sao, nhưng lại sở hữu cơ chế được tế bào thần kinh vận dụng là sản sinh chất dẫn truyền thần kinh”, theo đồng tác giả báo cáo Andrea Volterra.
Nói cách khác, họ tìm ra một dạng tế bào lai sở hữu đặc tính của cả tế bào thần kinh và tế bào thần kinh đệm.
Với phát hiện mới, giới khoa học đang đứng trước kỷ nguyên của các liệu pháp điều trị chưa từng có đối với những căn bệnh liên quan đến suy giảm nhận thức như chứng Parkinson, Alzheimer.