Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời chứng nghe kém ở trẻ
Thứ 6, 04/08/2023 | 23:16:21
1,187 lượt xem
Ảnh hưởng chức năng nghe, nghe kém sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có việc phát triển kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp, nhận biết của trẻ. Trước thực tế đó, Bệnh viện Nhi Thái Bình đã khám, đo điện thính giác thân não nhằm phát hiện sớm, can thiệp kịp thời chứng nghe kém ở trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bình, Phó Trưởng khoa 3 chuyên khoa, Bệnh viện Nhi Thái Bình chia sẻ: Việc nghe kém ở trẻ nhỏ sẽ dẫn tới những ảnh hưởng về phát triển ngôn ngữ và trí tuệ. Bên cạnh đó, trẻ sẽ suy giảm về tinh thần, dễ cáu giận và hạn chế trong việc nhận biết thế giới xung quanh. Vì thế, khám sàng lọc, đo thính lực có vai trò quan trọng, từ đó sẽ phát hiện những trẻ bị giảm thính lực, can thiệp kịp thời để trẻ có thể phát triển được ngôn ngữ; giảm thiểu những ảnh hưởng sức khỏe do mất thính lực gây ra. Nếu trước kia, Bệnh viện Nhi Thái Bình chưa thực hiện đo điện thính giác thân não thì bệnh nhân phải chuyển tuyến hoặc đến các cơ sở tư nhân đo, kiểm tra. Song, từ cuối tháng 3/2023, khi Bệnh viện triển khai đo điện thính giác thân não, nhiều bệnh nhi đã được kiểm tra, đo thính lực kịp thời. Không gây đau đớn, kỹ thuật này nhằm kiểm tra sự đáp ứng của não với âm thanh, từ đó giúp biết được sự toàn vẹn của hệ thống nghe từ tai đến cầu não. Từ khi triển khai đến nay, qua đo thính lực cho hơn 10 bệnh nhân, các bác sĩ đã phát hiện có 1 bệnh nhân nghe kém.
Để phát hiện trẻ có bị giảm thính lực, nghe kém bác sĩ Nguyễn Thị Bình khuyến cáo, gia đình cần theo dõi, chú ý các phản xạ của trẻ khi gọi hay có tiếng động xung quanh. Nếu trẻ có các biểu hiện như: chậm nói, nói ngọng, giảm sự chú ý, học không tập trung thì cần cho đi khám, đo thính lực. Ngoài những trường hợp trên, các trẻ có yếu tố nguy cơ cao gồm: trẻ nằm hồi sức sơ sinh trên 5 ngày; trẻ thở máy, vàng da; trẻ bị viêm màng não mủ, bất thường sọ mặt, xương thái dương; có chấn thương nền sọ, xương thái dương và trẻ đẻ non; trẻ sinh ra trong gia đình có người nghe kém do di truyền; thời kỳ bào thai mẹ bị nhiễm virus herpes, nhiễm ký sinh trùng toxoplasma, rubella, giang mai; trẻ có tiền sử dụng các thuốc gây độc cho tai thuộc nhóm aminoglycosid, nhóm lợi tiểu cũng được các bác sĩ chỉ định đo thính lực. Việc đo điện thính giác thân não có thể thực hiện ở những độ tuổi khác nhau, kể cả ở trẻ sơ sinh.
Sau khi được tư vấn, hiểu được tầm quan trọng của việc đo thính lực nên chị Phạm Thị Huế (Đông Hưng) đã cho con đi đo. Chị Huế chia sẻ: Trong thời gian con điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, biết được Bệnh viện có triển khai đo điện thính giác thân não, tôi đã cho con đi đo. Cháu còn nhỏ mới 3 tháng tuổi, đo sớm nếu không may nghe kém, giảm thính lực sẽ can thiệp điều trị kịp thời. Rất may, qua kiểm tra, con không có vấn đề gì, gia đình rất yên tâm.
Tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, quá trình khám, đo điện thính giác thân não được thực hiện theo các bước gồm: khai thác tiền sử bệnh tật, cho bệnh nhân ngủ trước khi đo, đo thính lực… Để kết quả đo chính xác, Bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, phòng đo cách âm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Những bệnh nhân nặng sẽ được tư vấn lên tuyến trên để được cấy điện ốc tai, đeo máy trợ thính.
Hiện nay, tại Bệnh viện Nhi Thái Bình mới có kỹ thuật đo điện thính giác thân não. Thời gian tới, nếu được cấp phép, Bệnh viện sẽ triển khai thêm kỹ thuật đo sàng lọc âm ốc tai, đo nhi lượng… Việc phát triển kỹ thuật mới sẽ giúp bệnh nhi trong tỉnh được chăm sóc, điều trị tốt nhất, giảm chi phí khi không phải chuyển tuyến trên.
Nguyễn Hoàng